Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028

Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028

Bắt đầu lấy ý kiến 02/05/2024
Kết thúc lấy ý kiến 02/06/2024
Thể loại Nghị quyết
Lĩnh vực Khám bệnh, chữa bệnh
Đơn vị soạn thảo Sở Y tế

Nội dung

TỜ TRÌNH

Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh

cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028

 

Kính gửi: Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh.

 

Thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015, Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 09 tháng 01 năm 2023, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh kính trình Hội đồng nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028, như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 09 tháng 01 năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo;

Căn cứ Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo;

Công văn số 2790/BTC-HCSN ngày 28 tháng 03 năm 2023 của Bộ Tài chính về hoạt động của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo;

Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2015 Quy định về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;

Căn cứ Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh uỷ (Khoá XI), nhiệm kỳ 2020-2025 (Quy chế số 23-QC/TU, ngày 10/11/2021).

Căn cứ Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2023 (Chương trình số 156-CTr/TU, ngày 06/01/2023).

2. Cơ sở thực tiễn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 và Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2015 Quy định về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Từ năm 2016 đến năm 2022, công tác hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 8 ngàn lượt bệnh nhân với số tiền hơn 26 tỷ đồng nhằm giúp người nghèo trong tỉnh vượt qua khó khăn bệnh tật, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, người dân tin tưởng vào chính sách hỗ trợ, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhất là những gia đình nghèo, gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

a) Theo quy định tại Quyết định 46/2015/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2015 của UBND tỉnh quy định quỹ hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng khi vào điều trị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước, còn các đối tượng điều trị ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thì không được hỗ trợ, đặc biệt là bệnh nhân nghèo bị suy thận phải chạy thận nhân tạo ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Trên thực tế, quá trình triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo tập trung hỗ trợ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo (chiếm đến 80% số bệnh nhân nộp hồ sơ cần hỗ trợ), mỗi năm có hàng ngàn bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo, trong khi số lượng máy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên địa bàn tỉnh quá ít (toàn tỉnh có 51 máy chạy thận ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước). Do đó, những bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ (2 hoặc 3 ngày phải đến bệnh viện chạy thận một lần) phải đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân[1] để chạy thận (toàn tỉnh có 88 máy chạy thận ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân).

Bên cạnh đó, năm 2021-2022 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19, do đó, bệnh nhân chạy thận nhân tạo không bị nhiễm Covid-19 chuyển sang các các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để điều trị. Đến nay, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn có số lượng lớn bệnh nhân theo điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Việc hỗ trợ bệnh nhân chạy thận nhân tạo theo Quyết định 46/2015/QĐ-UBND chỉ hỗ trợ khi bệnh nhân chạy thận tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước, còn bệnh nhân chạy thận tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thì chưa được hỗ trợ do đó cần có những quy định để tháo gỡ khó khăn này, để hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo khi chạy thận nhân tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, đề xuất chính sách địa phương hỗ trợ cho đối tượng bệnh nhân nghèo khi chạy thận nhân tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được đưa vào chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

b) Tại Điều 111 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024) quy định như sau:

“1. Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh được thành lập để hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có khả năng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

 2. Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh gồm các loại sau đây: a) Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh do tổ chức, cá nhân thành lập được tổ chức, hoạt động và quản lý theo quy định của pháp luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện; b) do cơ sở khám chữa bệnh thành lập từ nguồn tài trợ, viện trợ của tổ chức, cá nhân, nguồn kinh phí của cơ sở khám chữa bệnh (nếu có) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật”.

Theo công văn số 2790/BTC-HCSN ngày 28 tháng 03 năm 2023 của Bộ Tài chính về hoạt động của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo, có nêu: Căn cứ các quy định (Luật ngân sách nhà nước, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021), đề nghị địa phương không cấp kinh phí hoạt động (chi quản lý Quỹ và chi hỗ trợ cho các đối tượng) cho quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước. Trường hợp cần có chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương đối với một số các đối tượng, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng căn cứ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, khám chữa bệnh,…dự thảo chính sách, lấy ý kiến Bộ, cơ quan có liên quan, tổng hợp trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác của địa phương.

  Do đó, kể từ ngày 01/01/2024 để sử dụng ngân sách Nhà nước tiếp tục chi hỗ trợ cho các đối tượng trong Quyết định 46/2015/QĐ-UBND thì địa phương cần xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đối tượng này.

Theo Quyết định 46/2015/QĐ-UBND có 4 nhóm đối tượng (Điều 2 của Quyết định này) thì đối tượng tại khoản 4 Điều 2 của Quyết định 46/2015/QĐ-UBND: “Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí” đối tượng này thay thế bằng đối tượng: “Người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh”. Lý do đối tượng “người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí” thì có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư ngụ (Trường hợp có nghi ngờ việc xác nhận thì Ban quản lý Quỹ có quyền xác minh làm rõ), tuy nhiên trong thời gian qua Ban quản lý Quỹ cũng không có căn cứ, cơ sở để xác minh trường hợp nào do đó đề xuất thay thế đối tượng này sang đối tượng “Người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh” vì đây là nhóm đối tượng nghèo của tỉnh cần được hỗ trợ, đồng thời mở rộng danh mục bệnh được hỗ trợ là 09 bệnh gồm: Ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, phẫu thuật động mạch chủ, đột quỵ, chạy thận nhân tạo, bỏng nặng, chấn thương sọ não có phẫu thuật (dựa trên danh mục 42 bệnh hiểm nghèo theo phụ lục IV Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ). Việc chọn ra 9 bệnh hiểm nghèo này trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo trên cơ sở Sở Y tế đã họp thống nhất với đề xuất của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước và tư nhân trong tỉnh. Thực tế 09 bệnh hiểm nghèo trên trong đó đã có 6 bệnh đã có trong các bệnh được hỗ trợ theo quyết định 46/2015/QĐ-UBND trước đây là nhồi máu cơ tim lần đầu, phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, phẫu thuật động mạch chủ (gọi chung là mổ tim), Ung thư, chạy thận nhân tạo, chỉ có tăng thêm 03 bệnh so với trước đây là đột quỵ, bỏng nặng, chấn thương sọ não có phẫu thuật.

Như vậy, đề xuất 4 nhóm đối tượng được đưa vào chính sách hỗ trợ gồm: 1.Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành của Chính phủ, 2.Người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, 3.Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ, 4.Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời mở rộng 09 bệnh hiểm nghèo gồm 1.Ung thư, 2.Nhồi máu cơ tim lần đầu, 3.Phẫu thuật động mạch vành, 4.Phẫu thuật thay van tim, 5.Phẫu thuật động mạch chủ, 6.Đột quỵ, 7.Suy thận mạn có chạy thận nhân tạo, 8.Bỏng nặng, 9.Chấn thương sọ não có phẫu thuật cho 4 nhóm đối tượng áp dụng chính sách này khi vào điều trị ở cơ sơ khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước. Riêng đối với bệnh nhân suy thận mạn có chạy thận nhân tạo được áp dụng chính sách này khi vào điều trị ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh do tình hình thiếu máy chạy thận nhân tạo như đã phân tích ở trên.

 Xuất phát từ những nội dung trên, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028 cho phù hợp điều kiện và tình hình thực tế là nội dung cần thực hiện.

        II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT

1. Mục đích

Ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để phù hợp tình hình và điều kiện thực tế địa phương đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó chỉnh sửa các đối tượng đã được hỗ trợ trong Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND ngày 17/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay của tỉnh và bổ sung đối tượng bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân vào các đối tượng được hỗ trợ trong Nghị quyết. Đồng thời mở rộng danh mục bệnh hiểm nghèo (bao gồm 09 bệnh hiểm nghèo) để tăng thêm sự hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo.

2. Quan điểm xây dựng Nghị quyết

Với mục đích chia sẻ khó khăn cùng người bệnh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành của Chính phủ, người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ, người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, bị mắc bệnh hiểm nghèo. Việc kịp thời ban hành văn bản quy định mới để giải quyết hỗ trợ một phần chi phí cụ thể là hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho những người này nhằm chia sẻ bớt gánh nặng bệnh tật trong quá trình điều trị, đồng thời thể hiện quan điểm đối xử công bằng với người bệnh bị yếu thế trong mọi hoạt động chăm sóc và điều trị.

Việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với tình hình thực tế địa phương; các cơ quan chịu trách nhiệm chi hỗ trợ đúng đối tượng, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh quyết toán kinh phí, chế độ công khai theo đúng quy định hiện hành.

Nghị quyết ban hành phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Quá trình xây dựng, ban hành văn bản phải bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT

Ngày 09/04/2024, UBND tỉnh có Tờ trình số 1038/TTr-UBND trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trình HĐND tỉnh.

 Hội đồng nhân dân tỉnh có Công văn số 604/HĐND-VP, ngày 12/4/2024 cho ý kiến về nội dung Ủy ban nhân dân tỉnh trình đề nghị xây dựng Nghị quyết HĐND tỉnh tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thường kỳ tháng 4/2024.

Sở Y tế xây dựng Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028, gửi lấy ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, sở ban ngành, địa phương và đăng tải nội dung trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của Sở Y tế thời gian 30 ngày (kể từ ngày //2024 đến hết ngày //2024); báo cáo tổng hợp, tiếp thu ý kiến; Sở Tư pháp thẩm định nội dung tại Báo cáo số…./BC-STP ngày…//2024.

Dự thảo Nghị quyết được Uỷ ban nhân dân dân tỉnh thông qua ngày…/ /2024.

IV. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ QUYẾT

1. Bố cục Nghị quyết: Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028 gồm 08 điều:

- Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

- Điều 2: Đối tượng áp dụng

- Điều 3: Hỗ trợ tiền ăn

- Điều 4: Hỗ trợ đi lại

- Điều 5. Hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh

- Điều 6. Nguồn kinh phí

- Điều 7. Trách nhiệm thi hành

- Điều 8. Điều khoản thi hành

2. Nội dung cơ bản Nghị quyết:

          2.1 Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các đối tượng mắc ít nhất một trong các bệnh hiểm nghèo sau đây:

a) Ung thư

b) Nhồi máu cơ tim lần đầu

c) Phẫu thuật động mạch vành

d) Phẫu thuật thay van tim

đ) Phẫu thuật động mạch chủ

e) Đột quỵ (xuất huyết não, nhồi máu não)

g) Chấn thương sọ não có phẫu thuật

h) Bỏng nặng

i) Suy thận mạn có chạy thận nhân tạo

Đối tượng mắc bệnh theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i khoản 2.1 được hưởng chính sách hỗ trợ khi vào điều trị ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước. Riêng đối tượng mắc bệnh theo quy định tại điểm i khoản 2.1 còn được hưởng chính sách hỗ trợ khi vào điều trị ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

 Chính sách này được áp dụng trong giai đoạn từ năm 2024-2028.

 Chính sách này không hỗ trợ chi phí trong các trường hợp sau:

a) Mắc bệnh khác (không thuộc các bệnh quy định tại khoản 1 Điều này) phát sinh trước, trong hoặc sau khi mắc bệnh hiểm nghèo.

b) Người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không khám chữa bệnh đúng tuyến đăng ký bảo hiểm y tế) hoặc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

c) Người bệnh đã được thụ hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác cho số tiền mà người bệnh cùng chi trả hoặc người bệnh tự trả cho bệnh hiểm nghèo.

        2.2 Đối tượng áp dụng

 Các đối tượng được hưởng chính sách quy định tại mục 2.1 là công dân thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và thuộc một trong các đối tượng sau:

a) Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành của Chính phủ.

b) Người thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh.

c) Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ.

d) Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

 Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước thực hiện chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

         2.3 Hỗ trợ tiền ăn

          a) Mức hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức hỗ trợ là 54.000 đồng/người bệnh/ngày, không quá 540.000 đồng/người bệnh/đợt điều trị và không quá 3 lần hỗ trợ/năm.

          b)  Đơn vị chi trả:

           Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chi trả cho người bệnh có nơi thường trú thuộc địa bàn huyện, thị xã, thành phố dựa trên bảng kê số ngày điều trị nội trú bệnh hiểm nghèo.

          2.4 Hỗ trợ tiền đi lại

           a) Hỗ trợ tiền đi lại trong các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể là: 200.000 đồng/người bệnh/lần hỗ trợ. Mỗi trường hợp hỗ trợ không quá 3 lần/năm.

           b) Đơn vị chi trả:

 Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước vận chuyển bệnh nhân chi trả trong trường hợp sử dụng phương tiện vận chuyển của đơn vị mình.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chi trả cho người bệnh thuộc địa bàn huyện, thị xã, thành phố trong trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước.

2.4 Hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh

a) Mức hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng của Quỹ bảo hiểm y tế (hỗ trợ số tiền người bệnh cùng chi trả hoặc người bệnh tự trả) nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/người bệnh/lần hỗ trợ và tối đa không quá 3 lần hỗ trợ/năm.

b) Đơn vị chi trả: Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chi trả cho người bệnh có nơi thường trú thuộc địa bàn huyện, thị xã, thành phố dựa trên bảng kê chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc chi phí chạy thận nhân tạo.

 

Hồ sơ gửi kèm:

- Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028.

- Báo cáo số…./BC-STP ngày…/   /2024 của Sở Tư pháp báo cáo kết quả thẩm định Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đooạn 2024-2028.

- Báo cáo số…./BC-SYT, ngày…/    /2024 của Sở Y tế tổng hợp, tiếp thu ý kiến của Sở Tư pháp kết quả thẩm định Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2028.

- Tài liệu có liên quan.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh kính trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết nghị./.

 

[1] Bệnh viện tư nhân Cao Văn Chí, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.

 File đính kèm

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây