Quỹ Tín dụng nhân dân tỉnh Tây Ninh hoạt động hiệu quả, an toàn

Thứ sáu - 01/03/2024 08:40 876 0
Ngày 01/3/2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ Quỹ Tín dụng nhân dân năm 2024. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh và đại diện các Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 18 Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) đang hoạt động tại 51 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố. Tổng nguồn vốn hoạt động của các QTDND là 2.702 tỷ đồng, trong đó vốn huy động 2.309 tỷ đồng (chiếm 85%). Tổng số thành viên của 18 QTDND trên địa bàn là 25.926 thành viên, bình quân mỗi Quỹ có 1.440 thành viên. Lợi nhuận của 18 QTDND đạt 33 tỷ đồng, tất cả các Quỹ đều có lợi nhuận. Tổng dư nợ cho vay 2.201 tỷ đồng, chiếm 81,5% tổng nguồn vốn; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 869 tỷ đồng (chiếm 40%), dư nợ cho vay trung, dài hạn 1.332 tỷ đồng (chiếm 60%). Thực hiện tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, các Quỹ đã tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 12 thành viên với dư nợ 5,98 tỷ đồng. Đến 31/12/2023, nợ nhóm 2 là 2,5 tỷ đồng, chiếm 0,11% tổng dư nợ. Nợ xấu 7,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,33%/tổng dư nợ. Hầu hết các Quỹ trên địa bàn có tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 1% tổng dư nợ.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh Nguyễn Xuân Hiền báo cáo tại Hội nghị

Căn cứ quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất đối với tiền gửi và tiền vay, các Quỹ đã ban hành khung lãi suất huy động, lãi suất cho vay theo quy định. Năm 2023, lãi suất bình quân các Quỹ có chiều hướng tăng; trong đó, lãi suất cho vay bình quân 12,5% (tăng 1,2%), lãi suất huy động bình quân 7,2% (tăng 0,5%) và chênh lệch lãi suất bình quân đầu ra đầu vào 5,3% (tăng 0,8% so với năm 2022).

Ngoài các hoạt động huy động, cho vay truyền thống, các QTDND trên địa bàn đã tham gia liên kết với NH HTX thực hiện dịch vụ chuyển tiền (CF-eBank) nhằm đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của Quỹ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; vận động thành viên mở tài khoản than toán, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong năm 2023, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương, hoạt động đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã; phát triển an toàn, lành mạnh, đáp ứng dịch vụ ngân hàng cho thành viên. Các QTDND từng bước đa dạng dịch vụ; cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm và góp phần xóa đói, giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở địa bàn hoạt động.

Tại Hội nghị các đại biểu đã trình bày các tham luận, thảo luận đánh giá về kết quả hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, tiền gửi, tiền vay tại Quỹ, đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động của Quỹ trong thời gian tới.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024 và Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 09/01/2024 của UBND tỉnh Tây Ninh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã đề ra mục tiêu hoạt động của QTDND trong tỉnh năm 2024, tập trung vào các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; điều hành lãi suất hoạt động linh hoạt, phù hợp với lãi suất trên thị trường, đảm bảo cân đối được nguồn vốn, sử dụng vốn, hỗ trợ thành viên. Triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; nâng cao năng lục quản trị, điều hành; phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; phát triển các dịch vụ thanh toán thúc đẩy chuyển đổi số; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán.

Đồng chí Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng ghi nhận sự đóng góp tích cực hoạt động của ngành Ngân hàng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023, nhất là tăng trưởng tín dụng đạt ở mức cao (14,6%), hoạt động các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, an toàn và hiệu quả. Qua đó, đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi…

Thống nhất với báo cáo và định hướng hoạt động năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tây Ninh và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp nâng cao vai trò quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, giám sát toàn diện hoạt động của QTDND, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND hoạt động.

Đối với hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh phải bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chức năng, cấp ủy và chính quyền các địa phương trong quá trình hoạt động đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của mô hình Hợp tác xã; không chạy theo lợi nhuận, tập trung mục tiêu hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống, phục vụ nhân dân.

Vạn Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây