10 năm thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Thứ tư - 30/08/2017 11:00 99 0
Từ năm 2007 đến nay, được sự quan tâm của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trong việc vận động và giới thiệu Tổ chức Di cư Quốc tế tài trợ cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các Dự án về phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ về mặt chuyên môn nghiệp vụ cho Chi cục Phòng, chống tệ nạn trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống mua bán người.

Sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và đoàn thể, đặc biệt là ngành Công an trong quá trình xác minh nạn nhân, để các nạn nhân nhận được sự hỗ trợ và các chế độ kịp thời, đúng quy định khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó góp phần chung vào hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2007 - đến nay,  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp nhận, tổ chức bàn giao cho các địa phương 393 nạn nhân. Đã hỗ trợ cho 82 nạn nhân với tổng số tiền là 87.300.000 đồng. Trong đó hỗ trợ khó khăn ban đầu 82 người với số tiền là 84.000.000 đồng, hỗ trợ học nghề 03 người với số tiền là 3.000.000 đồng, hỗ trợ tiền tàu xe cho nạn nhân các tỉnh 02 người với số tiền là 300.000 đồng.

Trong 05 năm từ năm 2011 đến năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện 04 Dự án về phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, do Tổ chức Di cư Quốc tế tài trợ, với tổng kinh phí thực hiện: 2.232.393.000 đồng. Cụ thể:

Năm 2011: Dự án "Mở rộng và áp dụng mô hình nhóm tự lực" (trong phòng, chống mua bán người) tại tỉnh Tây Ninh. Kinh phí thực hiện: 682.668.000 đồng.

Năm 2012: Dự án "Nâng cao năng lực tái hòa nhập cộng đồng cho các nhóm tự lực tại tỉnh Tây Ninh". Kinh phí thực hiện: 358.117.000 đồng.

Năm 2014: Tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Câu Lạc Bộ Phu quân và Phu nhân (do Tổ chức IOM vận động) để hỗ trợ vốn sinh kế cho các nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống. Kinh phí thực hiện: 60.000.000 đồng.

Năm 2015 đến tháng 11/2016: Dự án "Giảm tính dễ bị tổn thương của người di cư nhằm ngăn ngừa buôn bán người và bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là đối tượng trẻ em tại một số Đặc khu kinh tế tại Campuchia, Lào, Việt Nam" do Tổ chức di cư Quốc tế IOM tài trợ. Kinh phí thực hiện: 1.131.608.000 đồng.

Bao gồm các hoạt động chính như: thành lập và tổ chức sinh hoạt nhóm tự lực; hỗ trợ vốn sinh kế cho các thành viên nhóm tự lực; tổ chức tập huấn các kỹ năng, kiến thức; truyền thông, chiếu phim, đối thoại chính sách, xây dựng và biểu diễn vở kịch, tổ chức cuộc thi vẽ tranh nhằm tuyên truyền phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh những mặt thuận lợi và kết quả đạt được  nêu trên, trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn có những khó khăn như: Chưa có cán bộ chuyên trách ở cấp xã, phường, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, nên việc nắm bắt thông tin, cập nhật số liệu chưa kịp thời, khó khăn trong công tác xác minh, lập hồ sơ hỗ trợ. Do tâm lý mặc cảm của gia đình và nạn nhân nên việc tiếp cận để nắm bắt thông tin, giải quyết chế độ, động viên nạn nhân còn gặp nhiều khó khăn. Trình tự, thủ tục và sự phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán còn gặp nhiều khó khăn do một số nạn nhân khi trao trả hoặc tự trở về địa phương không khai báo hoặc không hợp tác với cơ quan điều tra, có trường hợp lại tiếp tục bỏ đi khỏi địa phương đã gây khó khăn cho công tác xác minh thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ vụ việc, xác định là nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Công tác hỗ trợ nạn nhân chưa được thực hiện từ cơ sở, cộng đồng, do nhiều ngành, đoàn thể tuy có tham gia nhưng nguồn kinh phí được bố trí rất ít, các trường hợp nạn nhân tự trở về địa phương nhận được hỗ trợ còn hạn chế, chưa huy động được sức mạnh của các tổ chức, đoàn thể xã hội, cá nhân tham gia vào cung cấp các dịch vụ y tế, tâm lý, xã hội, dạy nghề, tạo việc làm để hỗ trợ cho nạn nhân.

Từ những khó khăn đó, để công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị cấp trên xem xét hỗ trợ kinh phí nâng cấp trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại Trung tâm Bảo trợ xã hội theo Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12/8/2016; Đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ và tăng các mức trợ cấp cho nạn nhân bị buôn bán trở về như: trợ cấp khó khăn, tiền học nghề, tiền ăn trong thời gian lưu trú và tái hoà nhập cộng đồng theo Thông tư liên tịch số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/9/2013.

QD

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây