Đặc biệt, thời gian gần đây nổi lên tình hình buôn lậu đường cát Thái Lan với số lượng lớn. Các đối tượng dùng xe mô tô vận chuyển nhỏ lẻ đường cát nhập lậu từ biên giới Campuchia vào tập kết trong nội địa, sau đó thay đổi bằng bao bì, nhãn hiệu của các nhà máy đường Việt Nam rồi vận chuyển đi thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Tình hình hoạt động kinh doanh, vận chuyển ngoại tệ trái phép trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng thường đến các tiệm vàng lớn trên địa bàn để đổi ngoại tệ, sau đó sử dụng ngoại tệ để thanh toán tiền mua hàng hóa của người dân ở khu vực biên giới và các đối tượng từ Campuchia vận chuyển ngoại tệ vào Việt Nam không khai báo đúng quy định. Phương thức thủ đoạn của các đầu nậu tổ chức đường dây, điều hành chặt chẽ; được trang thiết bị hiện đại, thuê người theo dõi thường xuyên hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu để báo cho đối tượng cầm đầu tìm cách đối phó; vận chuyển hàng vào ban đêm, không theo quy luật, thường xuyên thay đổi thời gian, tuyến đường vận chuyển; hàng hóa được vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần bằng các phương tiện mô tô, xuồng máy di chuyển với tốc độ cao; sử dụng xe ô tô tải có thiết kế hầm hoặc sử dụng xe gắn máy có thiết kế phụ để giấu hàng lậu vận chuyển vào Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh, UBND huyện, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh trái phép trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và phối hợp tốt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực và địa bàn phụ trách, nhất là tập trung tuần tra, kiểm soát trên các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới. Qua công tác đấu tranh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố nhiều vụ buôn lậu có trị giá lớn góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
6 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra 2.234 vụ, phát hiện 1.291 vụ vi phạm, tang vật vi phạm trị giá trên 24,8 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu: Thuốc lá điếu, rượu ngoại, đường cát, sữa ngoại, gỗ quý hiếm, gỗ tạp, tiền Việt Nam, mủ cao su, sắt phế liệu, ma túy, sừng tê giác và nhiều loại hàng hóa có giá trị khác.
Qua đó, các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng: 1.018 vụ, với tổng số tiền phạt trên 5,73 tỷ đồng, truy thu số tiền thuế gian lận trên 7,82 tỷ đồng, tịch thu tang vật vi phạm trị giá trên 13,26 tỷ đồng. Đồng thời, khởi tố 34 vụ án hình sự, với 78 đối tượng về tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới và buôn bán hàng cấm, cùng với 01 vụ 01 đối tượng về tội vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Từ nay đến cuối năm 2015, để góp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đồng thời cũng góp phần bảo vệ hàng hóa nội địa và thị trường trong nước, Ban chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Đi đôi với các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, Ban chỉ đạo sẽ tăng cường vận động người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với các cơ quan nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời không tham gia hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; không tiếp tay hoặc bao che cho các đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu. Vận động người thân trong gia đình không tham gia buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; không tiếp tay hoặc bao che cho các đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu. Không sử dụng và vận động người thân không sử dụng hàng nhập lậu (nhất là thuốc lá, rượu, bia...).
Nguyễn Nhiếm