Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát Viện Kiểm sát, Toà án huyện Châu Thành: Án hôn nhân - gia đình tăng nhiều

Thứ bảy - 10/11/2012 00:00 44 0
Vừa qua, tại huyện Châu Thành, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp tục giám sát tình hình, kết quả hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và Toà án nhân dân (TAND) huyện Châu Thành năm 2012.

 Báo cáo của VKSND huyện Châu Thành nêu rõ, trong năm đã kiểm sát việc giải quyết 156 tin/172 tin thụ lý. Án VKS phải giải quyết trong kỳ là 82 vụ/186 bị can, đã giải quyết 77 vụ/179 bị can; kiểm sát xét xử hình sự: Thụ lý 94/209 bị cáo, giải quyết xét xử 92/206 bị cáo, tồn 2 vụ/3 bị cáo. Kết quả kiểm sát cho thấy, không xảy ra trường hợp nào giải quyết điều tra, truy tố, xét xử oan, sai. Về công tác kiểm sát án dân sự: Thụ lý 891 vụ, giải quyết 849 vụ, tồn 42 vụ; kiểm sát án hành chính: Thụ lý 8 vụ, giải quyết 8 vụ; kiểm sát án lao động: thụ lý 3 vụ, giải quyết 3 vụ; kiểm sát án kinh doanh - thương mại: Thụ lý 12 vụ, giải quyết 12 vụ.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đoàn giám sát đặt vấn đề: Huyện Châu Thành có những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân bức xúc, phản ánh nhiều lần, VKSND đã phối hợp giải quyết như thế nào? VKSND cần có những hành động gì về vấn đề này? Đối với những khó khăn cụ thể khi thi hành án dân sự, hướng giải quyết của VKS như thế nào? Số tiền thi hành án dân sự được giải quyết như thế nào; án nào trong năm có chiều hướng tăng, nguyên nhân? Trình độ kiểm sát viên tranh tụng tại toà có đáp ứng yêu cầu không?...

Giải trình với Đoàn giám sát, Viện trưởng VKSND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Tín cho biết, ô nhiễm môi trường là vấn đề nan giải, khó giải quyết. Trong khi huyện không có Cảnh sát môi trường, còn Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện thì không đủ điều kiện xác định mức độ vi phạm, nên rất khó khăn trong xử lý; về quy trình thi hành án, trách nhiệm của VKSND chỉ là kiến nghị với lãnh đạo thi hành án; năm qua, tội cố ý gây thương tích có chiều hướng tăng, tuổi đời vi phạm rất trẻ (dưới 20 tuổi); trình độ kiểm sát viên tham gia tranh tụng tại toà chỉ đáp ứng được một phần, vì đa số kiểm sát viên còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong xét xử. Viện Kiểm sát huyện Châu Thành kiến nghị: Các ngành Tư pháp Trung ương sớm ban hành các văn bản hường dẫn thi hành một số luật như: Luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng Hành chính, Luật Thi hành án Hình sự.

Về phía TAND huyện Châu Thành, báo cáo của toà án với đoàn giám sát cho biết, tổng thụ lý trong năm là 1.216 vụ (tăng 99 vụ so với cùng kỳ năm 2011), đã giải quyết 1.194 vụ, đạt tỷ lệ 98,19%, vượt chỉ tiêu ngành giao 3,19%. Trong năm, loại tội phạm tăng nhiều nhất là “cố ý gây thương tích” 27 vụ, tăng 14 vụ so với cùng kỳ, tội phạm tuổi thanh niên lôi kéo người chưa thành niên, tổ chức thành băng nhóm theo kiểu xã hội đen. Án dân sự thụ lý 488 vụ (giảm 22 vụ), đã giải quyết 470 vụ, đạt 96,31%; án hôn nhân - gia đình thụ lý 597 vụ (tăng 88 vụ), đã giải quyết 593 vụ, đạt 99,32%; án hành chính thụ lý 8 vụ (tăng 7 vụ), đã giải quyết 8 vụ, đạt 100%; án kinh doanh thương mại thụ lý 9 vụ (tăng 7 vụ), đã giải quyết 9 vụ, đạt 100%; án lao động thụ lý 3 vụ (tăng 2 vụ), đã giải quyết 3 vụ, đạt 100%. Trong năm, số án bị huỷ là 9 vụ/1.194 vụ, chiếm tỷ lệ 0,75%, dưới 1,16% cho phép; số án sửa là 31/1.194 vụ, chiếm 2,59%, dưới 4% cho phép.

Các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến: Có bao nhiêu bị cáo trẻ tuổi phạm tội, tội phạm này đột biến hay thường xuyên? Ai là người chủ động trong ly hôn? Những vụ cố ý gây thương tích có xử lưu động để răn đe? Khi án bị huỷ, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân đến đâu? Cần nêu cụ thể những án huỷ do chủ quan; việc tảo hôn xảy ra nhiều nhất ở địa phương nào?…

Chánh án TAND huyện Châu Thành Nguyễn Duy Lâm giải trình: Đa số những vụ án xử lưu động là do tội cố ý gây thương tích; Toà án huyện thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị, đúng theo quy trình của TAND tối cao; việc tảo hôn có ở các xã vùng sâu, vùng xa, đa phần là bị cha mẹ ép buộc lập gia đình; việc ly hôn phần nhiều là do người vợ chủ động; khi án bị huỷ, sửa, đối với Hội thẩm nhân dân chỉ góp ý rút kinh nghiệm. Chánh án TAND huyện Châu Thành kiến nghị: Cấp uỷ, chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí cho toà án, tạo thuận lợi cho toà án thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình; cần có chính sách tiền lương hợp lý để thu hút người lao động vào phục vụ lâu dài.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây