Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới tỉnh Tây Ninh (từ 2007 đến nay)

Thứ tư - 30/08/2017 11:00 89 0
Hoạt động của bọn tội phạm mua bán người trong giai đoạn hiện nay, mang tính chất xuyên quốc gia và quốc tế, với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Phía địa bàn ngoại biên của tỉnh, Campuchia (CPC) cho mở các dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, Casinô,...nên thu hút rất đông người dân Việt Nam sang CPC đánh bạc mà phần đông là phụ nữ. Bên cạnh đó cũng có một số phụ nữ là cư dân biên giới sang bên kia biên giới để làm việc trong các dịch vụ massage, nhà hàng, khách sạn, Casinô,...Đây là điều kiện mà bọn tội phạm dễ dàng lợi dụng để rủ rê, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, bắt cóc phụ nữ đem bán vào những nơi đó.

Đối tượng phạm tội chủ yếu là lưu manh có tiền án, tiền sự về tội mua bán người. Chúng câu kết thành những đường dây khép kín để lôi kéo, móc nối, lừa gạt, cưỡng ép những người nhẹ dạ, mất cảnh giác rồi đưa ra nước ngoài bán. Thủ đoạn của tội phạm mua bán người là thường nhằm vào phụ nữ ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên biên giới có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống còn hạn chế,... để dụ dỗ, lừa gạt đưa sang CPC giới thiệu tìm việc làm ổn định nhàn hạ, có thu nhập cao. Ngoài ra, còn có một số phụ nữ có lối sống thực dụng, hưởng thụ, lười lao động sang CPC vào các quán bar, nhà hàng, vũ trường và các Casinô phía CPC để hành nghề massage trá hình, mại dâm; sau đó quay về tìm kiếm, dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ cả tin đưa sang CPC bán. Mặt khác, có một số đối tượng môi giới, dụ dỗ phụ nữ đi xuất khẩu lao động, lấy chồng người nước ngoài, tìm việc làm, không loại trừ tội phạm lợi dụng mua bán người.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về việc triển khai kế hoạch các năm và các kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới; từ năm 2007 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng 10 kế hoạch năm và triển khai tổ chức mở 10 đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh.Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, thực hiện tốt kế hoạch đợt cao điểm; có kế hoạch chủ động, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu nếu xảy ra các tình huống phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị cơ sở tham mưu và phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể 20 xã biên giới mở các đợt tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nâng cao ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân, nâng cao tinh thần tố giác tội phạm, phát hiện kịp thời các hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người, tích cực tham gia cùng BĐBP phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người qua biên giới. Phối hợp củng cố hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh, thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng địa bàn lành mạnh, ổn định về an ninh trật tự. Triển khai đồng bộ lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức sinh hoạt, giao nhiệm vụ cho mạng lưới mật đi sâu, bám sát vào các hoạt động của các đối tượng có các hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người. Kết quả thu được 200 tin liên quan đến hoạt động của của các đối tượng dẫn dắt các con bạc sang CPC đánh bạc và làm tạp vụ, làm gái mại dâm ở các Casinô phía CPC.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch Điều tra khảo sát tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em ở địa bàn 20 xã biên giới, 22 địa bàn ngoại biên và tuyến Xa Mát, Mộc Bài. Quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng quản lý nghiệp vụ, thu thập bổ sung tin, tài liệu vào hồ sơ điều tra cơ bản về mua bán người; chủ động đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của tội phạm mua bán người ngay từ xa.

Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biên giới của tỉnh. Kết hợp kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, cố định với cơ động đột xuất, mật phục, chốt chặn các tuyến đường mà tội phạm thường đưa đón người vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép. Phối hợp các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương 20 xã biên giới làm tốt công tác quản lý ANTT, tạm trú, tạm vắng ở các địa bàn trọng điểm và tổ chức các đợt truy quét tội phạm, tệ nạn xã hội. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hoạt động của tội phạm buôn bán người ngay từ các xã biên giói.

Trong giai đoạn từ 2007 đến nay, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Tây Ninh vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. BĐBP tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ được 03 vụ/ 05 đối tượng trong đường dây mua bán người, giải cứu 11 nạn nhân. Phát hiện,bắt giữ 01 vụ/01 đối tượng có hành vi bắt cóc trẻ em để đưa sang Campuchia 01 cháu bé 05 tuổi). Phối hợp với lực lượng Công an CPC bắt giữ 01vụ/29 đối tượng tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Khởi tố hình sự 01 vụ/01 đối tượng tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Xử lý hành chính 28 đối tượng về hành vi xuất cảnh trái phép, tiền phạt: 210 triệu đồng. Tuy nhiên, so với thực tế số liệu này có thể còn lớn hơn vì trên các xã biên giới số phụ nữ đi làm ăn xa, đi nước ngoài tương đối nhiều (tập trung ở địa bàn các đồn BP Tống Lê Chân, Xa Mát, Phước Tân, Mộc Bài, Phước Chỉ) với nhiều hình thức khác nhau, trong số đó có phụ nữ bị lừa gạt khi trở về Việt Nam do sợ dư luận nên không tố cáo với các cơ quan chức năng.

Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân và bàn giao cho cơ quan chức năng theo quy định. Cụ thể: Tiếp nhận từ Công an CPC và Tổ chức di dân quốc tế tại CPC bàn giao 10 vụ/ 32 nạn nhân bị mua bán qua biên giới, trong đó: 20 phụ nữ và 12 trẻ em và bàn giao cho công an tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và công an TP.Cần Thơ.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh thường xuyên trao đổi, thông tin tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng liên quan theo kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới trên địa bàn tỉnh giữa Bộ Chỉ huv BĐBP tỉnh Tây Ninh với Công an Tây Ninh. Tăng cường quan hệ với lực lượng chức năng Campuchia đối diện trong trao đổi thông tin tình hình liên quan đến tội phạm mua bán người. Kết quả phối hợp bắt giữ 02 vụ/03 đối tượng trong đường dây đưa người đi Malayxia bán dâm, và 01 vụ đối tượng bắt cóc trẻ em đưa qua Campuchia. Phối hợp với lực lượng CPC và các tổ chức quốc tế để tiếp nhận hơn 30 nạn nhân bị mua bán trở về; đảm bảo an toàn cho nạn nhân, giúp đỡ nạn nhân hòa nhập tốt với cuộc sống.

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới trong thời gian tới, BĐBP tỉnh Tây Ninh  tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan; các chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; Sử dụng đồg bộ các biện pháp công tác biên phòng, chú trọng công tác nghiệp vụ cơ bản; Tăng cường công tác nắm tình hình có liên quan hoạt động tội phạm mua bán người; Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, làm tốt công tác thống kê, lên danh sách, nắm quy luật đi lại của các đối tượng có nghi vấn liên quan tới hoạt động tội phạm mua bán người để có kế hoạch đấu tranh kịp thời; Thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật sâu rộng trong quần chúng nhân dân trên khu vực biên giới để thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Nhân rộng điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, đoàn thể như Công an, Phụ nữ, Lao động-TB&XH...để trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người vượt ra khỏi khu vực biên giới, địa bàn BĐBP phụ trách, những ngành nghề, lĩnh vực mới có liên quan có thể phát sinh hoạt động tội phạm mua bán người mà BĐBP chưa có nghiệp vụ chuyên sâu. Phối hợp trao đổi với lực lượng chức năng CPC, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên địa bàn CPC để nắm tình hình của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người ở bên CPC và ở các nước khác có liên quan; từ đó có kế hoạch chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả cao.

Quang Dững

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây