Công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Thứ tư - 29/10/2014 00:00 32 0
Trong những năm gần đây tình hình tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

 

 

Tình trạng bán phụ nữ đưa ra nước ngoài để lấy chồng hoặc hoạt động tình dục vì mục đích thương mại, tập trung chủ yếu là địa bàn Trung Quốc.  Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, hiện toàn quốc có hơn 22.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, không có tin tức, nhiều người trong số này nghi bị mua bán; hơn 80.000 phụ nữ xuất cảnh và xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lấy chồng, hoặc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, hơn 20.000 trẻ em được cho nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong đó, đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bị cưỡng ép lao động, bị bóc lột tình dục... Hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em trong nội địa từ các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, từ nông thôn ra đô thị, các khu du lịch, khu nghỉ mát ép làm mại dâm, cưỡng ép lao động cực nhọc, bóc lột sức lao động tại các bãi khai thác khoáng sản... đều diễn biến phức tạp. Một thủ đoạn phạm tội mới là một số đối tượng người Việt Nam cấu kết với người nước ngoài tổ chức tuyển chọn, tìm kiếm phụ nữ ở các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đưa lên thành phố và một số tỉnh giáp ranh để tổ chức “xem mặt, chọn vợ” rồi kết hôn bất hợp pháp nhằm đưa phụ nữ ra nước ngoài. Bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn tiếp cận làm quen với những cô gái mới lớn, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo họ đến các cơ sở dịch vụ việc làm, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu,…

Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các biện pháp,  điều tra cơ bản nắm tình hình, phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm, triệt phá các đường dây phạm tội mua bán người.

Trong những năm qua, với vai trò là Thường trực Đề án 30/CP, lực lượng Công an các cấp đã chú trọng công tác phòng ngừa, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương những biện pháp, chính sách phù hợp để quản lý nhà nước về an ninh trật tự; phối hợp với các ban, ngành, cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, như: Lồng ghép với các buổi họp tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ tại các buổi sinh hoạt đoàn thể để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân. Tổ chức phát động các phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, viết cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình họ tố giác tội phạm; Công an các địa phương giáp biên giới đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng tổ chức tốt việc tiếp nhận nạn nhân, phân loại đối tượng phục vụ công tác giải cứu nạn nhân bị lừa bán và điều tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội. Phối hợp với Hội phụ nữ ở cơ sở tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho các tuyên truyền viên, hội viên phụ nữ; phối hợp với Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tiếp nhận và tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân là phụ nữ bị mua bán trở về.

Bên cạnh công tác phòng ngừa, điều tra khám phá các vụ án, lực lượng chức năng đã tham mưu cho các Bộ, ngành và Chính phủ ký kết và triển khai có hiệu quả nhiều hiệp định song phương và đa phương, các văn bản thỏa thuận, ghi nhớ về phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ giữa Việt Nam với các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, Lào... Qua đó, các bên đánh giá thực trạng tội phạm mua bán người liên quan đến mỗi quốc gia và trao đổi danh sách đối tượng và nạn nhân của tội phạm mua bán người. Thiết lập đường dây nóng để trao đổi các thông tin và tình hình có liên quan; tiến hành mở đợt cao điểm phòng, chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, góp phần nâng cao hiệu quả trong phòng, chống và kiềm chế sự gia tăng của tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng. Công an, biên phòng các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia thường xuyên tổ chức các buổi giao ban định kỳ hàng tháng, quý hoặc gặp gỡ trao đổi đột xuất, thiết lập đường dây nóng với lực lượng công an, biên phòng giữa hai bên để đánh giá kết quả hợp tác, trao đổi thông tin và phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về, cùng triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người qua biên giới.

                                                                                                     K.H

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây