Đại dịch HIV/AIDS không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của con người mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Với nhiều nỗ lực trong các hoạt động can thiệp giảm tác hại, điều trị và dự phòng, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV vẫn diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có phương án hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là công tác truyền thông. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Tây Ninh, tính từ tháng 9/1994 đến ngày 31/5/2014 đã phát hiện 3.435 ca nhiễm HIV, 2,372 ca chuyển sang AIDS, 1.202 ca tử vong do AIDS tại 9/9 huyện, thành phố, 94/95 xã/phường/thị trấn trong toàn tỉnh.
Số ca nhiễm HIV, AIDS được phát hiện trong giai đoạn 2008-2012 có chiều hướng ổn định, tuy nhiên số ca HIV tử vong giai đoạn này có chiều hướng giảm. Nhưng trong năm 2013 thì số ca nhiễm HIV, AIDS được phát hiện và số HIV tử vong có chiều hướng tăng. Số người nhiễm HIV được phát hiện ở tất cả các nhóm tuổi, tuy nhiên nhóm tuổi được phát hiện nhiều nhất là nhóm 25-49 tuổi: chiếm tỷ lệ 68,97%; nhóm tuổi 15-24 tuổi: chiếm tỷ lệ 24,99% so với tổng số ca nhiễm trong toàn tỉnh được phát hiện từ đầu dịch đến 31/12/2013. Trong quý I/2014, nhóm tuổi phát hiện nhiều nhất vẫn là nhóm 25-49 tuổi. Qua các năm các ca nhiễm HIV được phát hiện ở nam đều có tỷ lệ cao hơn nữ, tuy nhiên trong những năm gần đây số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nữ có chiều hướng tăng cao so với các năm trước. Đến cuối năm 2013 tỷ lệ ca nhiễm được phát hiện ở nam chiếm tỷ lệ 55,9% so với tổng số ca nhiễm được phát hiện trên địa bàn tỉnh và chỉ cao hơn nữ 11,81% (trong đó nữ chiếm tỷ lệ 44,09).
HIV được lây truyền qua các con đường: Lây truyền qua đường máu chiếm tỷ lệ cao nhất vào năm 2003, sau đó có chiều hướng giảm trong khi lây truyền qua đường tình dục có khuynh hướng tăng dần từ năm 2007 và cao nhất vào các năm 2012, 2013. Lây truyền qua đường từ mẹ sang con cũng được phát hiện từ năm 1999 đến nay ở tỷ lệ thấp hơn so với hai đường lây truyền máu và tình dục tuy nhiên cũng cần phải quan tâm xây dựng các biện pháp dự phòng lây nhiễm thích hợp. Riêng trong quý I/2014, lây truyền HIV qua đường tình dục vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất so với các đường lây truyền khác. Hiện có 9/9 huyện, thành phố đều phát hiện người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó Thành phố Tây Ninh, huyện Hòa Thành có số người nhiễm HIV/AIDS mới phát hiện cao nhất tỉnh, kế đến là huyện Gò Dầu và huyện Tân Biên.
Nhìn chung tình hình dịch HIV/AIDS ở Tây Ninh đang ở giai đoạn tập trung và vẫn còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Số liệu thống kê cho thấy đây là số liệu báo cáo về những trường hợp được xét nghiệm về HIV, nhưng chưa phản ánh đầy đủ tình hình dịch HIV/AIDS mà chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về dịch HIV/AIDS ở Tây Ninh. Trong thời gian qua, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai thực hiện Tháng Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2014, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS như: phân bổ 89.000 tờ rơi, tranh gấp; 1.200 Tạp chí AIDS và Cộng đồng; 7.000 sách nhỏ; treo 130 băng ron hưởng ứng tháng chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tỉnh đến huyện…
Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh nên công tác phòng, chống HIV/AIDS được nhiều sở, ngành, đoàn thể hưởng ứng đưa vào phương hướng, nhiệm vụ hàng năm. Trong khi điều kiện kinh phí hạn hẹp song các sở, ngành đã triển khai tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng cách phối hợp lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình khác như: lồng ghép với các chương trình mục tiêu của Chính phủ và các chương trình khác hay các câu lạc bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân,…các cuộc vận động quần chúng, tuyên truyền Dân số KHHGĐ-CSBVTE, xây dựng khu dân cư ấp văn hóa, gia đình văn hóa.
Thông qua hoạt động truyền thông, các thông tin, kiến thức về HIV/AIDS; các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV/AIDS; các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS đã được truyền tải đến cộng đồng. Nhờ đó nhiều người đã hiểu rõ hơn về HIV/AIDS, đồng cảm, chia sẻ với người không may bị nhiễm HIV/AIDS. Với những kết quả đã đạt được, hoạt động truyền thông đang góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Do vậy, để góp phần giúp nhiều người có cách nhìn đúng và đầy đủ hơn, ý thức hơn trách nhiệm của mình về tham gia đẩy lùi dịch HIV/AIDS thì việc duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS là rất quan trọng.
P.N