Cảnh báo tai nạn giao thông nông thôn

Thứ hai - 17/02/2014 00:00 100 0
Trong dịp Tết Giáp Ngọ, tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) do những người điều khiển mô tô, xe máy ở nhiều vùng quê, đặc biệt là các khu vực ngoại thành có xu hướng tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Nhiều vụ tai nạn khiến cùng lúc 3 đến 4 người thiệt mạng.

Một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn dịp Tết (Ảnh minh họa: danviet.vn)

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên toàn quốc được duy trì ổn định, thông suốt, an toàn. Trong chín ngày Tết, toàn quốc xảy ra 338 vụ, làm chết 286 người, bị thương 324 người. So với chín ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đã giảm 60 vụ; giảm 50 người chết; giảm 41 người bị thương (chủ yếu trên đường bộ). Va chạm giao thông xảy ra 260 vụ, làm bị thương 302 người. Đáng mừng là, dịp Tết năm nay không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe khách, chỉ xảy ra 2 vụ, làm chết 7 người, bị thương 4 người, đều do môtô gây ra (tại Đà Nẵng xảy ra 1 vụ, làm chết 3 người, bị thương 3 người; tại Hà Nội xảy ra 1 vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người).

Tuy nhiên, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao, chủ yếu là tai nạn môtô và xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn, nguyên nhân do người điều khiển môtô vi phạm quy tắc giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, chở 3, 4 người, chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhất là trên đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã.

Một điều đáng chú ý là trong dịp Tết Giáp Ngọ, tình trạng TNGT do những người điều khiển mô tô, xe máy ở nhiều vùng quê, đặc biệt là các khu vực ngoại thành có xu hướng tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Nhiều vụ tai nạn khiến cùng lúc 3 đến 4 người thiệt mạng.

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nông thôn gia tăng, các cơ quan chức năng chỉ rõ nguyên nhân đầu tiên là do người điều khiển mô tô xe máy sử dụng rượu bia quá đà. Điều này cũng dễ hiểu bởi con số thống kê cho biết, hiện mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng gần 30 lít mỗi năm, đứng đầu Đông Nam Á, đứng tứ tư châu Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Kết quả khảo sát tại một số bệnh viện lớn cho thấy, hơn 30% các ca tử vong giao thông đường bộ và 60% bệnh nhân chấn thương nhập viện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt quá giới hạn cho phép. Đặc biệt là trong dịp Tết, uống rượu bia được coi như là “thủ tục” không thể thiếu khi anh em, bạn bè gặp nhau trong dịp Tết.

Ngoài việc uống rượu bia quá đà thì người tham gia giao thông vi phạm luật như: kẹp 3 kẹp 4, lạng lách đánh võng,.... cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến tai nạn giao thông tăng trong dịp Tết. Điều này cho thấy, ý thức và văn hóa giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên còn nhiều điều đáng bàn.

Một nguyên nhân khác cũng cần nhắc tới là sự vắng mặt của các lực lượng chức năng trên các tuyến đường giao thông nông thôn để xử lý hành vi vi phạm luật. Bởi cơ bản các lực lượng chức năng, đặc biệt là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tập trung vào các tuyến quốc lộ để giảm ùn tắc, để kiểm soát các xe chở khách, nên lực lượng đảm bảo TTATGT ở địa bàn đô thị, nông thôn mỏng.

Cần phải nhắc lại tai nạn giao thông trong dịp Tết “nóng” ở nông thôn không phải mới được báo động trong năm nay. Bởi trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, các ngành chức năng cũng đã đánh giá tai nạn giao thông xảy ra nhiều ở địa bàn nông thôn, trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện.

Việc để xảy ra nhiều vụ tai nạn tại khu vực nông thôn có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc huy động các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, cũng như tuyên truyền giáo dục không hiệu quả. Vì vậy, muốn tai nạn giao thông giảm và giảm bền vững thì sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng, vì chúng ta không thể đủ lực lượng để “giăng” khắp các mặt trận, địa bàn. Nếu chính quyền địa phương theo đúng chức trách, thẩm quyền thành lập các tổ, đội, nhóm, tổ chức các lực lượng công an xã, dân phòng... để đảm bảo TTATGT và các lực lượng này làm việc tích cực trong những ngày Tết thì chắc chắn TNGT đã không xảy ra nhiều như vậy.

Mặt khác, công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT có vai trò rất quan trọng. Bởi để giảm TNGT cần nhiều yếu tố như hạ tầng giao thông, công tác quản lý nhà nước, các văn bản pháp luật..., nhưng ý thức người tham gia giao thông là cái gốc, vì vậy về lâu dài phải xây dựng được văn hóa giao thông của người dân.

Tại cuộc họp đầu năm với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ngày 7/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiệm vụ giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới rất nặng nề. Theo Phó Thủ tướng, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại các vùng nông thôn, nhất là cho thanh niên; xử lý nghiêm các đối tượng điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia, các doanh nghiệp vận tải, chủ xe và tài xế vi phạm các điều kiện an toàn. Mặt khác, cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo địa phương để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng

Mùa lễ hội Xuân 2014 đã bắt đầu, hy vọng các ngành chức năng sẽ gấp rút triển khai quyết liệt nhiều giải pháp bảo để người dân đi lại an toàn, thuận lợi.

Theo dangcongsan.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây