Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy: Lực lượng tiên phong trong công tác phòng, chống nghiện ma túy

Thứ hai - 29/09/2014 00:00 104 0
Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy được cho là lực lượng tiên phong, lực lượng chuyên trách trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy của Công an nhân dân. Lực lượng này có chức năng hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm về ma túy, trực tiếp điều tra những vụ án về ma túy theo quy định của pháp luật.

 

 

Hiện tại, công tác phòng, chống nghiện ma túy được tiến hành qua nhiều giai đoạn khác nhau như: tuyên truyền giáo dục phòng, chống nghiện ma túy; phát hiện người nghiện; thu thập thông tin, tài liệu, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cai nghiện theo các hình thức cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng hay cai nghiện tại cơ sở cai nghiện; áp dụng các biện pháp chữa trị cắt cơn nghiện, phục hồi sức khỏe, hành vi, nhân cách, khả năng học tập, lao động để nâng cao năng lực tái hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng... Tuy nhiên, ngòai lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, còn có sự tham gia phối hợp của các ngành, các cấp, của nhiều lực lượng trong xã hội, công dân và bản thân người nghiện ma túy.

Tội phạm về ma túy và nghiện ma túy có mối quan hệ mật thiết với nhau, có thể nói đây là mối quan hệ cung - cầu, người nghiện ma túy gia tăng kéo theo tội phạm về ma túy gia tăng và ngược lại, trong đó các đối tượng phạm tội về ma túy là nguồn cung cấp trái phép chất ma túy, còn nghiện ma túy là nhu cầu sử dụng ma túy. Chính vì vậy, để có quá trình tiến hành các hoạt động theo chức năng của mình, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã có những đóng góp rất quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống nghiện ma túy.

Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống nghiện ma túy luôn được tiến hành từ chính quyền cơ sở tại địa phương, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy với chuyên môn của mình có trách nhiệm phối hợp tham mưu trong nội dung tuyên tuyền, đặc biệt là những hành vi bị cấm trong luật hình sự liên quan đến ma túy, sử dụng ma túy; trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, gia đình, nhà trường và xã hội trong phòng, chống ma túy (PCMT) nói chung, phòng, chống nghiện ma túy nói riêng. Bên cạnh đó, qua công tác quản lý địa bàn bằng các biện pháp nghiệp vụ, quá trình điều tra, xử lý các vụ án về ma túy, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy trực tiếp phát hiện các hành vi sử dụng trái phép hoặc dấu hiệu nghiện ma túy của người vi phạm. Thực tế cho thấy rằng, những người nghiện ma túy và gia đình người nghiện không phải lúc nào cũng đến trình báo cơ quan chức năng để tự nguyện cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật. Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy là lực lượng tiên phong, nòng cốt tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Từ những hoạt động của mình, sẽ phát hiện những hành vi sử dụng trái phép và dấu hiệu nghiện ma túy để chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy.

Tại Khoản 2, Điều 8 Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định Chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: “Trong quá trình điều tra, thụ lý các vụ vi phạm pháp luật, cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc dấu hiệu  nghiện ma túy của người vi phạm thì tiến hành lập biên bản, xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó…”. Như vậy, khi phát hiện người nghiện ma túy, lực lượng Công an lập biên bản, xác minh các thông tin, thu thập tài liệu và tiến hành lập hồ sơ. Sau đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với người nghiện ma túy, phối hợp với cơ quan tư pháp cấp huyện, Toà án nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB & XH), các cơ sở y tế có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong trường hợp không đủ điều kiện đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tiến hành chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu về đối tượng cho Công an cấp xã để lập hồ sơ áp dụng hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

 Qua việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý địa bàn, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy phát hiện những người nghiện ma túy không thực hiện nghiêm túc các quy định cai nghiện ma túy của địa phương nơi cư trú, từ đó phối hợp với Công an cấp xã, cán bộ LĐ - TB & XH có biện pháp đối với những người này. Sau khi người nghiện ma túy hòa nhập với cộng đồng, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy tiếp tục thực hiện vai trò của mình đó là sử dụng các biện pháp nghiệp vụ làm trong sạch địa bàn, tránh để người sau khi cai nghiện tiếp xúc với những người nghiện ma túy, tránh để những đối tượng lôi kéo tái sử dụng ma túy. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát  ĐTTP về ma túy phối hợp với Ủy ban nhân dân, cán bộ LĐ - TB & XH, tạo dựng cho người sau khi cai hoạt động, giao tiếp với một môi trường lành mạnh không còn nguyên nhân, điều kiện để có thể tiếp xúc hay thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống nghiện ma túy. Từ tham mưu, hướng dẫn trong công tác tuyên truyền phòng, chống nghiện ma túy, đến phát hiện người nghiện ma túy, thu thập thông tin, tài liệu lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp cai nghiện, và tham gia quản lý người nghiện sau cai và phòng, chống tái nghiện. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy phải luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này để đóng góp hơn vào sự thành công trong công tác phòng, chống nói chung.

T.Giang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây