Cai nghiện ma tuý tại cộng đồng: Vẫn còn trên giấy...

Thứ ba - 16/06/2015 10:00 92 0
Khi tiến hành đưa những người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần phải thực hiện theo đúng trình tự và phù hợp với những tiến bộ của thế giới về dân chủ, nhân quyền, bảo đảm quyền tự do, quyền công dân. Đây cũng là lý do Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định này, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, chưa thể thực hiện được.

Các học viên cai nghiện ma tuý tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội.

Ngay sau khi Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9.9.2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng triển khai Nghị định này.

Tiếp đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10.2.2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 94/2010/NĐ-CP… Tuy nhiên cho đến nay, việc cai nghiện ma tuý tại cộng đồng vẫn còn nằm... trên giấy.

Theo thống kê mới nhất của Công an Tây Ninh, hiện số người nghiện có hồ sơ quản lý trên toàn tỉnh là 2.435 người – tăng 1.156 người so với thời điểm trước khi rà soát và hầu như cả 95/95 xã (phường, thị trấn) đều có người nghiện ma tuý. Tuy nhiên, việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang vướng thủ tục theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP, đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải thuộc một trong hai trường hợp sau: Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma tuý nhưng không có nơi cư trú ổn định. Đó là chưa kể trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30.12.2013 của Chính phủ khá “nhiêu khê”.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, người nghiện ma tuý không được coi là tội phạm khi họ chưa có hành vi vi phạm pháp luật. Họ là những người bệnh cần phải được chữa trị nhưng phải bảo đảm quyền của con người. Các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra, xác định mức độ nghiện ma tuý để xác định là chữa bệnh tại gia đình, chữa bệnh bắt buộc tại cộng đồng hay buộc vào chữa bệnh tại các trung tâm cai nghiện.

Khi tiến hành đưa những người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần phải thực hiện theo đúng trình tự và phù hợp với những tiến bộ của thế giới về dân chủ, nhân quyền, bảo đảm quyền tự do, quyền công dân. Đây cũng là lý do Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định này, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, chưa thể thực hiện được.

Theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP, người nghiện ma tuý phải cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng được tổ chức cai nghiện tại trạm y tế xã, phường, thị trấn;  các trạm y tế xã, phường, thị trấn phải có đầy đủ cơ sở vật chất chuyên biệt, phải có đủ các trang thiết bị y tế cần thiết, cũng như phải có đủ nguồn nhân lực phục vụ việc cai nghiện như y, bác sĩ làm công tác điều trị cắt cơn...

Mới đây, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tiến hành giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về áp dụng các quy định đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý tại xã An Hoà (Trảng Bàng) và xã Thái Bình (Châu Thành).

Qua đó cho thấy, cả hai xã này đều đã thành lập Tổ công tác cai nghiện tại cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP, nhưng đều hoạt động không hiệu quả.

Tại An Hoà, hiện có 31 đối tượng nghiện ma tuý, đa phần sử dụng ma tuý tổng hợp. Theo phó công an xã, việc kết luận về một đối tượng nghiện ma tuý là điều không đơn giản.

Cụ thể như khi lực lượng công an nghi vấn, tiến hành test nhanh, phát hiện đối tượng dương tính với ma tuý, nhưng đối tượng lại không thừa nhận mình có sử dụng ma tuý, theo đúng quy trình thì công an đưa đối tượng về trạm y tế để xác định tình trạng nghiện, trong khi trạm y tế không biết phải xác định như thế nào. Cuối cùng đành cho đối tượng này về vì không có cơ sở xác định mức độ nghiện ma tuý để áp dụng cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.

Còn theo lãnh đạo xã Thái Bình, hiện trên địa bàn có 27 đối tượng nghiện chất ma tuý có hồ sơ quản lý- tăng gấp đôi so với năm 2013, trong đó có 6 đối tượng từng đi tù, 13 đối tượng từng bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, tương tự như ở An Hoà, xã Thái Bình cũng gặp khó khăn trong việc xác định tình trạng người nghiện, nên việc áp dụng cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng không thể thực hiện.

Trong khi đó, Tây Ninh hiện có Trung tâm Giáo dục lao động xã hội được xây dựng trong khuôn viên rộng 8 ha, đủ sức chứa cho hơn 1.500 đối tượng cai nghiện, nhưng đến thời điểm tháng 4.2015, tại Trung tâm chỉ có 97 học viên. Đây là điều bất hợp lý, không chỉ xảy ra ở Tây Ninh mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Trong khi chờ đợi có giải pháp tháo gỡ “thế bí” kể trên, hiện nay ngành chức năng chỉ có thể hy vọng vào việc mở rộng mô hình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Hiện ngành Y tế đang triển khai thí điểm mô hình này tại Trạm Y tế phường IV, thành phố Tây Ninh.

Đây là liệu pháp điều trị lâu dài, sử dụng bằng đường uống, có kiểm soát, giá thành rẻ, giúp người nghiện giảm cảm giác thèm ma tuý, giảm tần suất sử dụng các chất ma tuý, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, đồng thời giảm số vụ phạm tội, vi phạm trật tự xã hội do nghiện ma tuý.

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây