Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015

Thứ ba - 18/06/2013 00:00 49 0
Ngày 31 tháng 8 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1203/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015. Chương trình được thực hiện trong phạm vi toàn quốc, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các tuyến biên giới và các địa bàn trọng điểm về hoạt động tội phạm tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và tổ chức sử dụng ma túy. Thời gian thực hiện từ năm 2012 đến hết năm 2015 với tổng kinh phí là 2.522 tỷ đồng.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP.

Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015 là “xương sống” của công tác phòng, chống ma túy 3 năm tới, trong đó đã đề ra những mục tiêu hết sức cụ thể và nặng nề: Hằng năm phấn đấu giảm trên 5% người nghiện ma túy hiện có; giảm 10% xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy để nâng tổng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy của toàn quốc lên 50%. Nâng cao hiệu quả ngăn chặn nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam; hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ của cả nước tăng trên 10% so với năm trước; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để sản xuất ma túy tổng hợp ở trong nước. Triệt xóa các tụ điểm phức tạp về mua bán, tổ chức sử dụng ma túy, kiên quyết không để tình trạng tội phạm ma túy hoạt động công khai trắng trợn gây bức xúc trong quần chúng nhân dân; phấn đấu đến năm 2015 không còn “điểm nóng” về tội phạm và người nghiện ma túy trên toàn quốc. Cơ bản không để tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa; phát hiện, triệt phá 100% diện tích cây thuốc phiện và cây cần sa trồng trái phép. 100% người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện ma túy dưới mọi hình thức, 100% người đã cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao đều được quản lý sau cai...

Để đạt được những mục tiêu, yêu cầu nêu trên, Chương trình đề ra 5 giải pháp thực hiện là: Xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy; nâng cao năng lực về phòng chống ma túy cho cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy và lực lượng chuyên trách làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy của Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; huy động thêm các nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện chương trình; kiện toàn Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Ban chỉ đạo các cấp, bố trí đủ lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy ở cấp tỉnh, cấp huyện và các xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy; hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống ma túy.

Điểm nổi bật của Chương trình là đã đề ra 6 dự án và 10 tiểu dự án, giao cho các đơn vị chủ trì triển khai thực hiện, trong đó các dự án cụ thể là: Dự án 1: Trang bị phương tiện chiến đấu và giám định ma túy của lực lượng Công an nhân dân; Dự án 2: Trang bị phương tiện, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm về ma túy của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển; Dự án 3: Tăng cường năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của lực lượng Hải quan; Dự án 4: Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; Dự án 5: Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và nghiên cứu, triển khai ứng dụng các thuốc, phương pháp y học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy; Dự án 6: Thông tin, tuyên truyền phòng, chống ma túy và giám sát thực hiện Chương trình.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, đến nay đã có 100% Bộ, ban, ngành thành viên Ủy ban Quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015 của đơn vị, địa phương mình. Bộ Công an với chức năng là cơ quan quản lý Chương trình, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình của Ủy ban Quốc gia, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nhằm thực hiện bằng được những mục đích, yêu cầu đặt ra, cụ thể là:

Trước hết là: Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống ma túy; đáp ứng các yêu cầu đề ra trong Chỉ thị số 21-CT/TW. Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015.

Thứ hai là: Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kiềm chế tình hình tội phạm ma túy; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy; ngăn chặn có hiệu quả ma túy, nhất là ma túy tổng hợp từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam; giải quyết cơ bản tình hình phức tạp về ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm; tăng nhanh số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy trên toàn quốc.

Thứ ba là: Phối hợp, lồng ghép việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình với các chương trình khác được triển khai trên cùng một địa bàn, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm nhằm phát huy tác dụng, đạt hiệu quả tối ưu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Chương trình đề ra.

Việc chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015 trong thời điểm này là vô cùng cần thiết, đảm bảo sự thành công của Chương trình trong cả giai đoạn tới, nhất là trong thời điểm tình hình tệ nạn ma túy ở nước ta hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong năm 2012, hoạt động phạm tội ma túy ở nước ta có xu hướng gia tăng về tính chất và mức độ; xuất hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn; tình trạng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ; hoạt động điều chế, mua bán ma túy tổng hợp lan rộng… Các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra gần 21 nghìn vụ, bắt giữ hơn 31 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 692 kg heroin, 225 kg thuốc phiện, 01 tấn cần sa tươi và 164 kg cần sa khô, 192 kg và 500.000 viên ma túy tổng hợp… Cả nước vẫn còn 171.392 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; mới có 3.615/11.115 xã, phường, thị trấn (chiếm 33,35%) xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP và các thành viên Tổ công tác liên ngành về quản lý tiền chất ma túy

 

Để tạo cơ sở thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015, trước mắt trong năm 2013, cần phải tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:

Một là: Hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và đề ra kế hoạch, tổ chức chỉ đạo triển khai quyết liệt các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Hai là: Tham mưu cho Bộ Chính trị tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới nhằm đánh giá vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền; sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân.

Ba là: Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng ngừa, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trong đó chú trọng đánh giá các mô hình truyền thông hiệu quả, bền vững và xây dựng xã, phường, thị trấn không ma túy để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Bốn là: Các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan chỉ đạo tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả đấu tranh, điều tra, bắt giữ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy. Tập trung lực lượng chuyển hóa các tụ điểm phức tạp về ma túy, tiến tới làm trong sạch địa bàn.

Năm là: Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Đặc biệt là thống kê, nắm chắc tổng số người nghiện để có kế hoạch áp dụng biện pháp điều trị bằng thuốc methadone.

Sáu là: Rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó ưu tiên sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự, Luật Tố tụng hình sự phần có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy, cai nghiện ma túy.

Bảy là: Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy theo các chương trình, kế hoạch, dự án đã thỏa thuận.

Tám là: Kiện toàn Ban chỉ đạo, Cơ quan thường trực và Ban chủ nhiệm các đề án, dự án theo phương châm đơn giản đầu mối, phát huy vai trò trách nhiệm các thành viên.

Trước những yêu cầu, thách thức đối với công tác phòng, chống ma túy đòi hỏi các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015.

Theo http://phongchongmatuy.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây