Cuộc chiến chống tội phạm mua bán người

Thứ năm - 16/07/2015 17:00 42 0
Báo cáo của Trung tướng Phạm Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015 của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm (Ban chỉ đạo 138/CP) cho thấy thời gian gần đây, trên thế giới và khu vực, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng đưa người di cư trái phép bằng thuyền vượt đại dương từ Châu Phi, Trung Đông và Châu Á sang Châu Âu.

Ở khu vực Châu Á, chủ yếu là Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar, 6 tháng đầu năm 2015 các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục ngàn người Bangladesh và Myanmar là nạn nhân của các đường dây buôn người và di cư trái phép. Cảnh sát Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Vương quốc Anh đã khám phá nhiều đường dây mua bán, bắt cóc trẻ em, giải cứu hàng ngàn trẻ em. Tình hình trên đã gây bức xúc, lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Ở trong nước, hoạt động tội phạm mua bán người tiếp tục gia tăng, đặc biệt là lợi dụng đường biên giới mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua lại biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực nên tội phạm tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng lao động thời vụ, du lịch, thăm thân, khi ra đến nước ngoài chúng bán, ép làm gái mại dâm, hoặc cưỡng bức lao động, nếu muốn về nước phải bỏ ra một lượng tiền lớn để chuộc. Cụ thể như: Ngày 06/01/2015 và ngày 01/02/2015, cảnh sát Malaysia đã đột kích 03 cơ sở giải trí của nước này, giải cứu 284 phụ nữ nước ngoài, trong đó có 184 phụ nữ Việt Nam bị ép hoạt động mại dâm. Còn ở trong nước theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện xử lý 10 đường dây, bắt giữ 14 đối tượng, đã đưa 9 lao động qua Lào, Trung Quốc lao động thời vụ. Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện 02 vụ, bắt giữ 04 đối tượng đã đưa 90 lao động sang Trung Quốc có dấu hiệu mua bán người.

 Thủ đoạn của tội phạm mua bán người là lợi dụng các trang mạng xã hội (zalo, facebook...), điện thoại di động, internet giới thiệu tạo dựng lòng tin, tập trung vào các em gái thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quản lý để lừa bán ra nước ngoài. Điển hình như Công an huyện Than Uyên, Lai Châu bắt 05 đối tượng đã lừa bán 19 phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc. Hoạt động tội phạm mua bán, chiếm đoạt trẻ em (trong đó có cả trẻ sơ sinh, học sinh) tại các tỉnh biên giới phía Bắc diễn ra phức tạp, riêng 03 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu xảy ra trên 20 vụ. Tình trạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức "xem mặt, chọn vợ" cho người nước ngoài: Hàn Quốc.,Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để lừa bán vẫn tiếp tục diễn ra tại một số tỉnh phía Nam như: Ngày 01/4/2015 và ngày 7/5/2015 Công an Tây Ninh đã phá hai chuyên án, bắt giữ 8 đối tượng trong đó có 3 người đàn ông Trung Quốc, giải cứu 03 nạn nhân. Qua đấu tranh khai thác các đối tượng khai nhận từ năm 2013 đến nay đã lừa bán 181 phụ nữ sang Trung Quốc làm vợ; Công an tỉnh Đắc Nông bắt xử lý 05 đối tượng xem mặt 03 phụ nữ Việt Nam. 6 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện 200 vụ, với 310 đối tượng, 548 nạn nhân. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 33,5% về số vụ, giảm 18,8% số đối tượng và giảm 15,8% về số nạn nhân.

Tuy nhiên đây là loại tội phạm ẩn, nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm, nhưng chưa được quy định trong Bộ luật hình sự nên không xử lý được về tội mua bán người (Điều 119 BLHS) hay tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 BLHS).

Mặc dù còn có những khó khăn nhất định trong việc xử lý tội phạm buôn bán người, nhưng trong thời gian qua các ngành chức năng cũng đã xây dựng nhiều phương án phù hợp để kịp thời ngăn chặn loại tội phạm này. Lực lượng Công an trong đó chủ công là Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp tiến hành các biện pháp điều tra cơ bản, rà soát, củng cố hồ sơ tại 62 tuyến, 35 địa bàn trọng điếm, 167 tụ điểm nghi vấn hoạt động mua bán người, đồng thời triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xây dựng hồ sơ tuyến, địa bàn mới phát sinh để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội mua bán người; phối hợp lực lượng chức năng Trung Quốc, Lào và Campuchia thống nhất kế hoạch triển khai các đợt cao điểm tấn công tội phạm mua bán người vào quý III năm 2015.

Tổng cục Cảnh sát ban hành kế hoạch số: 2852/KH-TCCS ngày 27/5/2015 chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc, trọng tâm là trên tuyến biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia từ ngày 01/7 đến ngày 30/9/2015.

6 tháng đầu năm 2015, toàn quốc đã điều tra, khám phá 150 vụ án mua bán người, bắt giữ 244 đối tượng. Trong đó lực lượng Công an đã khởi tố 114 vụ, với 205 đối tượng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã khởi tố 36 vụ, bắt giữ 39 đối tượng. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 104 vụ, 198 bị can, trong đó 71 vụ, 136 bị can về tội mua bán người, 34 vụ 62 bị can về tội mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 120 vụ, với 243 bị cáo phạm các tội về mua bán người để xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đã giải quyết 94 vụ với 192 bị cáo, đạt tỉ lệ 78,3% về số vụ và 79% số bị cáo; trong đó 16 bị cáo bị phạt tù trên 15 năm đến 20 năm, 50 bị cáo tù trên 07 năm đến 15 năm, 91 bị cáo tù trên 03 năm đến 07 năm, 28 bị cáo bị phạt tù từ 03 năm trở xuống.

Các địa phương đã điều tra, truy tố, xét xử được nhiều vụ án mua bán người là Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh.

Thanh phong​

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây