Dự án “Nâng cao năng lực hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho các nhóm tự lực”: Góp phần chăm lo đời sống cho các chị em

Thứ sáu - 04/10/2013 00:00 76 0
Dự án do Tổ chức Di cư Quốc tế phối hợp với Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) triển khai thực hiện, với mục đích tạo điều kiện hỗ trợ những nạn nhân là phụ nữ từng bị bán ra nước ngoài tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững.

 

Chị C.P chia sẻ về hoàn cảnh của mình trong buổi lễ tổng kết dự án.

Theo Sở LĐ-TB&XH, từ tháng 1.2012 đến tháng 9.2013, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) phối hợp với Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh thuộc Sở triển khai thử nghiệm 2 mô hình dự án ở tỉnh Tây Ninh, gồm: Dự án “Mở rộng và áp dụng mô hình các nhóm tự lực” trong phòng, chống mua bán người (từ tháng 01-09.2012) và Dự án “Nâng cao năng lực hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho các nhóm tự lực” (từ ngày 1.10.2012 – 30.9.2013).

Thông qua dự án thứ 1, toàn tỉnh đã hình thành 3 nhóm tự lực tại các huyện Tân Biên, Gò Dầu và Châu Thành. Mỗi nhóm có tất cả 10 thành viên, hầu hết là những chị em phụ nữ từng bị bán ra nước ngoài làm nghề mại dâm hoặc lấy chồng nước ngoài… Sau khi tập hợp, thành lập các nhóm tự lực, dự án tiếp tục cung cấp gói hỗ trợ sinh kế cho các thành viên bước đầu ổn định cuộc sống. Theo đó, những người có cuộc sống khó khăn sẽ được hỗ trợ vốn để sản xuất (không cần phải hoàn trả).

 Sau khi dự án 1 kết thúc, dự án 2 tiếp tục được thực hiện vào tháng 10.2012 với mục đích tạo điều kiện hỗ trợ những thành viên này tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững, đồng thời củng cố, nhân rộng những mô hình có hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người trong tỉnh.

Các hoạt động chính của dự án là hỗ trợ mức sinh hoạt định kỳ hằng tháng cho nhóm tự lực; tổ chức các khoá tập huấn chuyên sâu về kỹ năng trồng trọt và chăn nuôi; tập huấn về kiến thức và kỹ năng quản lý đồng vốn hiệu quả; tiến hành cho vay vốn theo mô hình tự tạo thu nhập của thành viên; giám sát các cuộc họp nhóm và tình hình sản xuất kinh doanh của các thành viên trong nhóm…

Khác với mô hình hỗ trợ vốn ở dự án 1, dự án 2 thực hiện cho các thành viên trong nhóm vay vốn với lãi suất thấp (chỉ 0.5 %/ tháng). Kết quả, Ban điều hành dự án đã xét cho 24 thành viên đang gặp khó khăn về kinh tế được vay với mức tối đa là 8 triệu đồng, tối thiểu là 5 triệu đồng/người. Số tiền này sẽ được thu hồi sau khi dự án kết thúc.

Thông qua các lớp tập huấn về kỹ năng tự tạo sinh kế rất nhiều chị em trong nhóm đã sử dụng đồng vốn đúng mục đích, góp phần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp gặp khó khăn do yếu kỹ năng chăm sóc cây trồng, vật nuôi hoặc bị thiên tai, dịch bệnh…

Kết thúc dự án 2, có 20/24 thành viên đã hoàn vốn, số còn lại sẽ tiếp tục hoàn trả trong thời gian tới.

Chị C.P (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) – thành viên của nhóm tự lực Ban Mai đã thay mặt tất cả các thành viên nhóm tự lực trên địa bàn tỉnh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tổ chức IOM và chính quyền địa phương, bởi nhờ sự giúp đỡ tận tình từ dự án mà những chị em phụ nữ có chung hoàn cảnh như chị đã có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, làm lại cuộc đời.

Chị C.P là nạn nhân của một vụ buôn bán người dưới hình thức lấy chồng Trung Quốc. Cũng như các chị em khác, trước khi bị dụ dỗ lấy chồng nước ngoài, gia cảnh của chị hết sức khó khăn. Sau khi ly hôn, chị phải một mình nuôi con nhỏ mới 6 tuổi. Được bà mối giới thiệu, chị lấy một người chồng Trung Quốc. Ở nhà chồng, chị chịu đựng biết bao nhiêu khổ nhục, đi làm mà không được xài một đồng nào vì nhà chồng lấy hết. Cuối cùng, sau 9 tháng làm dâu ở xứ người, không chịu xiết cảnh bị đày đoạ, chị tìm cách bỏ trốn về Việt Nam.

Chị cho biết, khi mới trở về nước, cuộc sống của chị còn khổ hơn lúc chưa lấy chồng bởi bản thân đang bụng mang dạ chữa và phải nuôi nấng đứa con đầu mới 7 tuổi. Lúc này, chị che tạm một căn chòi ở gần nhà cha mẹ ruột. Hằng ngày, chị phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi con. Tháng 9.2012, chị được Hội Phụ nữ xã giới thiệu tham gia sinh hoạt nhóm tự lực Ban Mai cho đến nay. Từ khi tham gia nhóm, chị đã được hỗ trợ về nhà ở, vốn sản xuất, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt… từng bước giúp chị ổn định cuộc sống.

Chị P. cho biết sẵn sàng chia sẻ hoàn cảnh của mình cho những chị em nào có ý nghĩ đi lấy chồng nước ngoài để giúp họ nâng cao cảnh giác, không bị rơi vào bẫy của bọn buôn người.

Có thể nói, dự án 2 này đã gặt hái được những thành công góp phần nâng cao năng lực trong hành trình tái hoà nhập cộng đồng của các nhóm tự lực, giúp họ ngày càng tự tin trong cuộc sống.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây