Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 130/CP công bố tháng 7/2009, trong 5 năm thực hiện chương trình 130/CP, cả nước phát hiện 1586 vụ buôn bán người, 2888 đối tượng lừa bán 4008 nạn nhân. So với 5 năm trước, tăng 1090 vụ, 2117 đối tượng và 2935 nạn nhân. Trong đó:
Buôn bán phụ nữ: 1218 vụ, với 2310 đối tượng, lừa bán 3019 phụ nữ.
Buôn bán trẻ em: 191 vụ, 268 đối tượng, lừa bán 491 trẻ em.
Buôn bán phụ nữ, trẻ em: 177 vụ, với 310 đối tượng, có 498 phụ nữ trẻ em.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, trên toàn quốc xảy ra 191 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em với 362 đối tượng bán 417 nạn nhân.
Ngày 29/01/2007, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg về Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì và chỉ đạo thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân.
Sau gần 3 năm thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành hệ thống các chính sách hỗ trợ nạn nhân tương đối đồng bộ, đã cụ thể được những nội dung cơ bản của Quyết định 17/QĐ-TTg như chế độ chính sách cho nạn nhân; xác minh, xác định nạn nhân; và thành lập các Trung tâm hỗ trợ nạn nhân trở về (Thông tư Liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC – BLĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2007, hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng; Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT/BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 8/05/2008, hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; Thông tư số 05/2009/TT- BLĐTBXH ngày 17 tháng 02 năm 2009, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Cơ sở hỗ trợ nạn nhân). Các văn bản trên tạo cơ sở pháp lý, giúp ngành Lao động – Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý, chỉ đạo địa phương thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân trở về tái hoà nhập cộng đồng.
Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em
Việt Nam là quốc gia "nguồn" của nạn buôn bán người, hầu hết nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ, trẻ em, và đều liên quan đếu việc bóc lột tình dục hoặc cưỡng ép kết hôn. Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em được núp dưới nhiều hình thức như: xuất cảnh trái phép, kết hôn giả, lừa đưa ra nước ngoài lao động, du lịch…, sau đó ép làm mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp. Nạn nhân đa số là dân tộc Kinh, nghề nghiệp chủ yếu là làm ruộng, trình độ học vấn thấp và có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Tội phạm thường lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn nghèo, nhẹ dạ cả tin, có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp, không có việc làm, được hứa tìm việc làm thích hợp ở thành phố, thị xã, rồi bị đưa qua biên giới để bán cho các chủ chứa hoặc các tổ chức tội phạm ở nước ngoài. Một số thủ đoạn khác như lợi dụng mối quan hệ thân thiện, truyền thống giữa các dân tộc sống ở vùng biên giới, gây được lòng tin và cuối cùng lừa bán hoặc hứa hẹn đưa đi du lịch, khi sang đến nước ngoài bán cho bọn tội phạm buôn bán người… Tuy nhiên, cũng có trường hợp nạn nhân là những người có lối sống buông thả, thích ăn chơi đua đòi, đã từng hoạt động mại dâm, hoặc một số người do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều, muốn kiếm việc làm có thu nhập cao để thay đổi cuộc sống.
Bên cạnh số đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, nhiều phụ nữ trẻ em đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm mại dâm khi về thăm quê lại trở thành tội phạm lừa bán phụ nữ, trẻ em (kể cả người thân trong gia đình). Ngoài ra, những đối tượng chuyên làm ăn buôn bán qua lại biên giới hoặc đối tượng kinh doanh dịch vụ khu vực biên giới do thông thuộc địa bàn hoặc lợi dụng sơ hở của pháp luật, thông qua các trung tâm môi giới dịch vụ trá hình và cho nhận con nuôi, lấy chồng nước ngoài để buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.
Hiện nay, buôn bán người ở Việt Nam chủ yếu qua bốn tuyến: hai tuyến đầu diễn ra ở tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chiếm 70% tổng số vụ trên toàn quốc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng…); tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia (An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang…); tuyến biên giới Việt Nam - Lào, nhất là buôn bán trong đất liền xuyên qua Campuchia và Lào đến Thái Lan và Malaysia; Tuyến thứ tư là buôn bán quốc tế tới các địa điểm như Macao, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu. Bọn tội phạm thường dùng địa hình biên giới có nhiều đường mòn, cũng như lợi dụng việc đơn giản hóa trong thủ tục xuất nhập cảnh để thực hiện hoạt động buôn bán.
Kỳ thị khiến nạn nhân ít dám nói về mình
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 5 năm qua, theo báo cáo của các địa phương, số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày, nghi bị buôn bán là 19.828 người. Tính đến tháng 5/2009 số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về là 2.790 trường hợp, trong số đó 60% nạn nhân tự trở về, 25% được giải cứu, 15% tiếp nhận chính thức. Trong số 2.790 nạn nhân trở về có 2.232 nạn nhân (chiếm 80%) được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý và cung cấp thông tin, chính sách hỗ trợ; có 837 trường hợp nạn nhân (chiếm 30%) nhận được kinh phí hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng và hỗ trợ học nghề (chiếm 20%) từ nguồn ngân sách của nhà nước.
Tuy vậy, nhận thức về công tác hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về ở một số địa phương còn hạn chế, dochưa có sự quan tâm đúng mức tới số nạn nhân tự trở về nên họ không tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ. Tình trạng kỳ thị trong cộng đồng vẫn còn tồn tại khiến nạn nhân trở về không muốn nói về bản thân, những sự kiện họ đã trải qua, ngại tiếp xúc khai báo với chính quyền, đoàn thể nên rất khó khăn cho việc xác minh, nhất là những người tự trở về.
Với sự hỗ trợ của tổ chức UNICEF tại Việt Nam, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã nghiên cứu đánh giá nhanh tại 7 tỉnh (Lạng Sơn, Quảng Ninh; Thanh Hoá, Nghệ An; Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh) nhằm tìm hiểu thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg về Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Theo đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số phát hiện chính:
Thứ nhất, nạn nhân bị buôn bán trở về ở các địa bàn khảo sát không tập trung vào một thời điểm nhất định mà về rải rác. Số lượng nạn nhân trở về theo con đường trao trả chính thức, giải cứu và tự về qua Quảng Ninh, Lạng sơn, Thanh Hóa và An Giang nhiều hơn so với các tỉnh khác: tính từ năm 2005 – 2009, Quảng Ninh tiếp nhận gần 500 người, trong đó phần lớn là người từ các tỉnh khác, riêng 6 tháng đầu năm 2009 đã có 12 nạn nhân được trao trả chính thức và giải cứu; Lạng sơn: 469 người, trong đó có 264 người trong tỉnh; Thanh Hóa có 148 nạn nhân nghi bị buôn bán; An Giang: 61 nạn nhân…Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số các cơ quan chức năng nắm bắt được, trong thực tế còn cao hơn nhiều, đặc biệt cho đến nay các địa phương chưa phát hiện được hết số nạn nhân tự trở về.
Thứ hai, ở các tỉnh, thành phố được khảo sát cho thấy, các cơ sở tiếp nhận nạn nhân trở về qua cửa khẩu biên giới chưa có, do đó việc tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân chủ yếu được thực hiện trong các trụ sở hay các đồn của Bộ đội biên phòng. Tỉnh Lạng sơn không tách khâu tiếp nhận, sàng lọc nạn nhân ban đầu mà vẫn đưa những người trở về vào một cơ sở xã hội, sau đó mới thực hiện phân loại để hỗ trợ.
Thứ ba, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân được thực hiện dưới nhiều hình thức và bước đầu cũng đã có những kết quả nhất định. Các dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng bao gồm hỗ trợ tâm lý xã hội, hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), y tế, học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hoá và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn các trường hợp nạn nhân trở về ở các địa phương đều được hỗ trợ theo quy định. Trong đó, có 39,2% được hỗ trợ về tài chính, 30,5% được hỗ trợ về tâm lý; 18,3% được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm; 25,6% được hỗ trợ pháp lý; 28,7% được chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân ở các địa bàn được khảo sát còn yếu và thiếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ nạn nhân hầu như chưa có, vì vậy hầu hết các địa phương đều sử dụng một phần kinh phí, cơ sở vật chất, nhân lực của Trung tâm Bảo trợ Xã hội hoặc Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội làm nơi tiếp nhận và thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân. Số nạn nhân được hỗ trợ chiếm tỷ lệ thấp, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân mới ở bước ban đầu, cả về hỗ trợ kinh tế, tâm lý, xã hội, pháp lý; hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng mới chỉ dành cho nạn nhân trở về chính thức, hoặc trong các vùng, địa phương có các dự án quốc tế tài trợ… Công tác hỗ trợ nạn nhân là phải được thực hiện từ cơ sở, cộng đồng, do nhiều ngành, đoàn thể tham gia nhưng hầu hết các huyện, tỉnh/thành phố chưa bố trí kinh phí, hoặc có bố trí nhưng rất ít, các trường hợp nạn nhân tự trở về địa phương nhận được hỗ trợ còn hạn chế, chưa huy động được sức mạnh của các tổ chức, đoàn thể xã hội, cá nhân tham gia vào cung cấp các dịch vụ y tế, tâm lý, xã hội, dạy nghề, tạo việc làm để hỗ trợ cho nạn nhân. Bên cạnh đó, bản thân một số nạn nhân có sự mặc cảm, ngại cho gia đình, cộng đồng biết được việc làm trước đây của mình, do vậy dù có gặp khó khăn nhưng họ cũng không muốn nhận sự hỗ trợ.
Thứ tư, khả năng tiếp nhận, kinh nghiệm, kinh phí cho việc hỗ trợ nạn nhân trong các Trung tâm thuộc Sở LĐTBXH quản lý mới chỉ thực hiện được việc chăm sóc ban đầu, các bước tiếp theo như học nghề, hướng nghiệp nghề, tạo việc làm để ổn định đời sống cho các đối tượng chưa làm được nhiều.
Thứ năm, Công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân theo Quyết định 17/2007/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 08 tháng 5 năm 2008 của liên bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Lao động- Thương binh và Xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện, đặc biệt là xác minh nạn nhân, nhất là nạn nhân tự trở về, chủ yếu dựa vào lời khai của nạn nhân, nhưng do nhiều lý do cả từ bản thân nạn nhân và một số cơ quan chức năng còn chưa thật quan tâm; việc phân biệt giữa trường hợp nạn nhân tự đi và tự về với di cư trái phép còn khó khăn dẫn đến chậm trễ trong công tác hỗ trợ nạn nhân (Nghệ An, An Giang, Tây Ninh).
Thứ sáu, Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận đều là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, trong khi công tác tiếp nhận hỗ trợ phụ nữ trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về là một nhiệm vụ mới mẻ, phức tạp nên việc giúp đỡ đối tượng còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc nắm bắt các thông tin về nạn nhân chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác chăm sóc, giải quyết những vấn đề bức xúc của nạn nhân.
Kiến nghị
1. Khi trở về, nạn nhân được đảm bảo an toàn và tôn trọng nhân phẩm, nguyện vọng. Được hỗ trợ tâm lý xã hội, hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), y tế, học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hoá và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm.
2. Một số mô hình điểm tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân đang được thực hiện ở một số địa phương như: mô hình hỗ trợ tại Trung tâm hay “Nhà mở”, “Nhà tạm lánh” dành cho nạn nhân (tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang); mô hình thành lập các “nhóm tự lực” hoạt động theo cơ chế tự quản, tự nguyện tham gia của nạn nhân (tại 3 huyện của Bắc Giang); mô hình thành lập các câu lạc bộ dành cho phụ nữ hoàn lương và nạn nhân bị buôn bán trở về (tại Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định);… Thông qua các mô hình này, phụ nữ, trẻ em nạn nhân được tiếp cận với đa dạng các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu và khả năng của họ như học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay tín dụng, cấp phát học phí, bọc bổng, hỗ trợ tâm lý - xã hội… gắn với các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, góp phần giúp nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng bền vững.
3. Nghiên cứu thành lập nhóm phối hợp liên ngành về tái hòa nhập cộng đồng ở các cấp; xây dựng, củng cố mạng lưới các tổ chức hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng tại các địa phương; tăng cường xây dựng tài liệu thông tin về các dịch vụ hiện có của các tổ chức (gói thông tin); tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về chuyển tuyến nạn nhân; xây dựng tài liệu truyền thông về các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Rà soát, củng cố, thành lập thêm các đường dây nóng về hỗ trợ nạn nhân…