Ảnh minh họa |
Cần tăng cường công tác tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đến các bậc phụ huynh
Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông rất cần thiết, nó không chỉ bảo đảm an toàn cho trẻ mà còn hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm của trẻ khi ra đường, tạo nề nếp, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ nói riêng, chấp hành pháp luật nói chung cho trẻ ngay từ bé.
Để làm được điều đó, trước tiên là trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc phối hợp với nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng phụ huynh, học sinh hiểu và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, cần tăng cường hơn nữa việc tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức Luật giao thông nhằm tạo ra sân chơi bổ ích và tuyên truyền an toàn giao thông cho các em, tạo điều kiện cho các em có những hiểu biết về kiến thức an toàn giao thông khi tham gia giao thông, đồng thời thông qua hội thi các em học sinh cũng là một nhân tố tuyên truyền viên vận bạn bè thực hiện tốt việc đội mũ bảo hiểm cũng như chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần ý thức tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm cho các em, thường xuyên giáo dục con em mình phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để tự bảo vệ mình. Đây còn là hành động góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa giao thông. Ngoài ra, các ngành chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm xử nghiêm các trường hợp vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm, góp phần vào việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân và vừa bảo đảm an toàn cho trẻ.
Theo điểm k, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có nêu: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quay đúng qui cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Cát Tường