Đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông
Thậm chí, một số phụ huynh dù có mang mũ bảo hiểm theo nhưng chỉ treo trên xe chứ không đội cho con. Để biện hộ cho việc không tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật trong việc đội mũ cho trẻ, các vị phụ huynh thường vin vào nhiều lý do khác nhau như: Nhà gần, quên mũ bảo hiểm; mũ bảo hiểm không tốt cho con, trời nóng nực; không có nơi cất đặt, sợ mất…
Quan sát tại nhiều trường tiểu học trong tỉnh trong giờ đi học hoặc tan học, nhiều phụ huynh chủ quan, không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi mô tô, xe gắn máy. Nhiều học sinh đầu trần ngồi phía trước phương tiện, thậm chí có phụ huynh chở 2-3 cháu đều không đội mũ bảo hiểm. Điều này cho thấy, nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm nên thực hiện chưa nghiêm túc. Trong khi đó, tai nạn giao thông có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi.
Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết, không chỉ đảm bảo an toàn cho trẻ mà còn tạo nề nếp, ý thức chấp hành luật lệ giao thông nói riêng, chấp hành pháp luật nói chung ở các em. Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề quan trọng là các bậc phụ huynh phải luôn làm gương cho con trong việc tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông.
Mặt khác, cần thường xuyên thực hiện các hình thức tuyên truyền về văn hóa giao thông, nhất là đối tượng học sinh trong nhà trường để các em nhận thức được sự cần thiết của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và tự giác thực hiện.
Ngoài ra, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm cũng góp phần vào việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân.
Nhằm thúc đẩy việc thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, theo kế hoạch tuyên truyền quốc gia, trong 5 ngày từ 6/4 – 10/4, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiến hành tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở đội mũ bảo hiểm cho trẻ em 6 tuổi trở lên tại các khu vực xung quanh trường học. Các bậc cha mẹ, người lớn không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy, xe đạp điện sẽ bị dừng xe để nhắc nhở và xử lý. Các trường hợp vi phạm sẽ bị thông báo lên nhà trường.
Sau đợt tuyên truyền này, cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức phạt tiền đối với mỗi lần vi phạm từ 100.000 – 200.000 đồng. Việc tăng cường cưỡng chế xử lý vi phạm đi kèm với các hoạt động truyền thông đại chúng sẽ tăng đáng kể tỉ lệ trẻ em trên 6 tuổi được các bậc phụ huynh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2014 đã có gần 9.000 người chết do TNGT, trong đó có tới 1.900 trẻ em. Đặc biệt, có tới 50% trong số này bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm.
Con số thống kê trên quả thật đáng báo động cho thấy tình trạng thờ ơ của người lớn trước tính mạng của con em mình, cũng như cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Trẻ em là thế hệ tương lai của dân tộc, đất nước, là đối tượng luôn cần được ưu tiên chăm sóc và bảo vệ. An toàn của con cái chúng ta, hơn ai hết chính chúng ta phải vào cuộc quyết liệt, đừng để người khác phải nhắc nhở. Đã đến lúc người lớn phải biết ý thức, thay đổi suy nghĩ và hành động đúng đắn để ngăn chặn mối hiểm họa tai nạn giao thông đối với trẻ em, cũng như bảo vệ sức khỏe, thân thể và mạng sống của trẻ em khi tham gia giao thông. Xin đừng để xảy ra hậu quả đau lòng rồi mới hối tiếc.
MN