Kế hoạch thực hiện Đề án “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người”, Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 năm 2017

Thứ năm - 06/07/2017 17:00 100 0
Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 1392/KH-BCĐ Kế hoạch thực hiện Đề án “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người”, Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 năm 2017.

​Việc thực hiện Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các biên bản hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước; tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh Campuchia giáp biên giới trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, trong đó có công tác phòng chống tội phạm mua bán người.

Về công tác truyền thông, giáo dục, phòng ngừa, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, các chiến dịch truyền thông nhân ngày 30/7 “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.

Sở Lao động, Thương binh và xã hội tham mưu UBND tỉnh tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em năm 2017”; phối hợp với các ngành tăng cường truyền thông quảng bá về Đường dây nóng 18001567 “ Tư vấn và hỗ trợ trẻ em, phòng chống mua bán người” do Bộ Lao động Thương binh và xã hội thiết lập.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục, số chuyên đề về phòng chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp cho hệ thống truyền thông ở cơ sở để tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác.

Đề nghị Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng” do Trung ương Hội chủ trì, trọng tâm là: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục các văn bản pháp luật mới liên quan đến phòng, chống mua bán người, chú trọng đổi mới hình thức, biên tập nội dung phù hợp với các đối tượng tuyên truyền; Tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề cho đội ngũ tuyên truyền viên và hội viên phụ nữ các cấp về kỹ năng phòng, chống mua bán người; Duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống mua bán người tại cộng đồng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; Tiếp tục triển khai thực hiện các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, nhất là truyên truyền nhân ngày 30/7 “ngày Toàn dân phòng chống mua bán người”, phối hợp mở các chiến dịch truyền thông với phụ nữ các huyện giáp biên giới Campuchia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý văn hóa, du lịch, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở phòng, chống tội phạm mua bán người và xâm hại tình dục trẻ em.

Sở Tư pháp – Thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật công tác phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.

 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượng Biên phòng đứng chân trên tuyến biên giới tổ chức các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho người dân 20 xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh: Biên soạn tài liệu, thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người gửi các ngành, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng cơ sở để tuyên truyền; phối hợp với Báo Tây Ninh, Đài phát Thanh truyền hình tỉnh đưa tin, tuyên truyền rộng rãi phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân cảnh giác. Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền văn bản pháp luật mới về công tác phòng, chống mua bán người.

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các sở, ngành có liên quan, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố lồng ghép các hoạt động của ngành, đơn vị mình với các hình thức truyền thông, giáo dục phòng ngừa về phòng, chống mua bán người gắn với các mô hình, phong trào phòng chống tội phạm của ngành, địa phương.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, Công an tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng tổ chức điều tra cơ bản, triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ kết hợp với tuần tra, kiểm soát biên giới và quản lý xuất nhập cảnh để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các đường dây mua bán người, tụ điểm môi giới hôn nhân trái phép, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm trong nội địa và các tuyến giáp biên giới Campuchia, các tụ điểm nhà hàng, khách sạn, quán bar… nơi đối tượng thường tập kết nạn nhân trước khi đưa ra nước ngoài bán hoặc tổ chức các động mại dâm trá hình.  Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong xác minh, đánh giá chứng cứ, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Tổ chức tốt các biện pháp bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là trẻ em trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, Văn phòng Interpol và các lực lượng chức năng của Campuchia trao đổi thông tin, xác minh, điều tra, truy nã, truy bắt tội phạm mua bán người, tiếp nhận, giải cứu nạn nhân bị mua bán trở về…

 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức điều tra khảo sát, xác định tuyến trọng điểm trên tuyến biên giới và phối hợp Công an tỉnh, các huyện biên giới, triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán người sang các nước qua tuyến biên giới Tây Ninh - Campuchia. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với lực lượng Công an thực hiện kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Phối hợp với lực Công an trao đổi thông tin với lực lượng chức năng của Campuchia để xác minh, truy bắt, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về…  

Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong xác minh, đánh giá chứng cứ, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Lựa chọn án điểm đưa ra xét xử lưu động để răn đe phòng ngừa tội phạm; phối hợp bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là trẻ em trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người.

 Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Công an tỉnh phối hợp với các tổ chức quốc tế, cục nghiệp vụ của Bộ Công an tiếp nhận nạn nhân trong các đường dây mua bán người do Công an tỉnh thụ lý, điều tra khi có yêu cầu; chủ trì phối hợp với lực lượng Biên phòng, Sở Ngoại vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời xác minh, xác định, tổ chức tiếp nhận nạn nhân; phối hợp với lực lượng chức năng của Campuchia tiếp nhận nạn nhân do phía Campuchia trao trả; cung cấp thông tin cho Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh - Xã hội để đảm bảo hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.

Sở Lao động, Thương binh xã hội chủ trì phối hợp với các ngành kịp thời hỗ trợ các chính sách và các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân như: y tế, học văn hóa, học nghề và trợ giúp pháp lý…, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nạn nhân sớm trở về ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng; tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng các mô hình hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác hợp tác quốc tế, Lực lượng Công an, Biên phòng, Ban Chỉ đạo các huyện biên giới phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giáp biên giới duy trì giao ban, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Ban Chỉ đạo huyện Tân Biên, Bến Cầu củng cố, kiện toàn Văn phòng BLO Mộc Bài, Xa Mát, kịp thời trao đổi thông tin với Văn phòng BLO tương ứng của Campuchia trong phòng, chống tội phạm mua bán người.

MN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây