Kế hoạch nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông có nguyên nhân từ uống rượu, bia vượt quá nồng độ cồn quy định. Tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn; từng bước hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu, bia; trước hết là sự nêu gương của Thủ trưởng cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn; kết quả tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn; Cảnh báo nguyên nhân, hậu quả tai nạn giao thông do vi phạm uống rượu, bia vượt quá nồng độ cồn quy định; Vận động các hàng, quán ăn, uống treo khẩu hiệu tuyên truyền "Đã uống rượu, bia thì không lái xe"; hạn chế bán rượu, bia cho khách khi khách đã say; nhắc nhở khách phải nhờ người thân, bạn bè chưa uống rượu, bia hoặc bố trí người chưa uống rượu, bia chở khách về nhà… Việc tuyên truyền được thực hiện trên các phương tiện thông tin, đại chúng: Báo (báo viết, báo mạng), đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; đài Truyền thanh các huyện, thành phố; tuyên truyền trên hệ thống loa không dây ở phường, xã, thị trấn….Trực tiếp đến các cơ quan, trường học, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để tuyên truyền miệng, kết hợp chiếu các phóng sự, video clip về hậu quả tai nạn giao thông nguyên nhân từ uống rượu, bia vượt quá nồng độ cồn quy định; Tuyên truyền trực quan thông qua các cổng thông tin điện tử, bảng quang báo, các panô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, khẩu hiệu, triển lãm tranh, ảnh…về tác hại, hậu quả tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia; Tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo với chủ đề rượu, bia đối với sức khoẻ và hậu quả tai nạn giao thông.
Cùng với đó, tổ chức tuần tra kiểm soát theo kế hoạch thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông trong đó tăng cường kiểm tra các trường hợp nghi sử dụng rượu, bia; các đối tượng có biểu hiện uống rượu, bia trên các tuyến đường, bến xe khách, xe tải, điểm dừng đỗ khách hoặc những tuyến đường có nhiều điểm kinh doanh hàng quán ăn uống có sử dụng rượu, bia. Tăng cường sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn và các vi phạm về TTATGT khác. Kết hợp chặt chẽ giữa tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với truyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định pháp luật và vận động thực hiện các quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; công khai rộng rãi kế hoạch kiểm tra, xử lý trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện kế hoạch trong năm 2016. Thời gian thực hiện các chiến dịch cao điểm được thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau: Chiến dịch truyền thông: Từ đầu tháng 10 đến hết tháng 11 năm 2016; Chiến dịch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm: Từ đầu tháng 12/2016 đến hết tháng 01/2017.
UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch tuyên truyền và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016 một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả và đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh, phải tiến hành thường xuyên, liên tục và được đẩy mạnh trong đợt cao điểm.
Khẩu hiệu tuyên truyền:
- Tính mạng con người là trên hết
- Đã uống rượu, bia - Không lái xe.
MN