Đến dự hội nghị có ông Phạm Quốc Dũng – PGĐ Công an tỉnh Bình Dương, ông Võ Hùng Minh – PGĐ Công an tỉnh Bình Phước, ông Phạm Văn Cao – PGĐ Công an tỉnh Tây Ninh, chủ trì hội nghị, cùng với lãnh đạo các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, Hớn Quản, Dầu Tiếng, lãnh đạo Công ty TNHH MTV hồ nước Dầu Tiếng – Phước Hòa và cán bộ, chiến sĩ Công an các huyện, xã giáp ranh hồ nước Dầu Tiếng.
Đánh giá về tình hình liên quan đến an ninh trật tự và công tác bảo vệ hồ nước Dầu Tiếng, ông Nguyễn Văn Nước- Phó Trưởng Công an huyện Dương Minh Châu cho biết, về tình hình các cơ sở hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ nước, hiện nay có 13 cơ sở khai thác (có giấy phép), gồm 30 bãi, 160 tàu thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công nhận công trình thủy lợi Hồ nước Dầu Tiếng là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, đến nay, Công ty TNHH MTV Dầu Tiếng – Phước Hòa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là đơn vị quản lý công trình chưa phân giới, cắm mốc và phối hợp với Bộ Công an xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ chung cho công trình. Việc này dẫn đến tình trạng các hộ dân lấn chiếm sinh sống và chăn thả trâu, nuôi vịt trong khu vực hành lang bảo vệ công trình, gây khó khăn cho lực lượng công an khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ đảm bảo ANTT, ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn hành lang công trình này.
CATN kiểm tra tàu khai thác cát trái phép trong hồ Dầu Tiếng. |
Mặt khác, tình hình khai thác cát có chiều hướng phát triển mạnh, trong đó có khai thác khoáng sản bên trong hồ nước Dầu Tiếng không giấy phép, khai thác không đúng vị trí và các hộ dân sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trái phép còn xảy ra…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến và kiến nghị các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo ANTT hồ nước Dầu Tiếng như: đường 781 hư hỏng nặng, không có cơ chế xử lý giải quyết các vụ việc xảy ra giáp ranh khu vực địa giới hành chính, tình trạng sử dụng phương tiện đánh bắt cá trái phép trong lòng hồ, công tác quản lý các doanh nghiệp khai thác cát chưa cụ thể…
Sau hội nghị, đại diện các bên đã tiến hành ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội địa bàn hồ nước Dầu Tiếng đến năm 2020.
Nội dung kế hoạch phối hợp trên các lĩnh vực: kịp thời trao đổi thông tin nghiệp vụ về tình hình an ninh chính trị trên khu vực hồ nước Dầu Tiếng và vùng lân cận, tập trung quan tâm đến người dân di cư tự do cư trú trên mặt nước hồ nước Dầu Tiếng và các xã giáp ranh; tình hình khiếu nại về đất đai trong hồ nước; ngăn chặn, phân tuyến lưu thông, quản lý thông tin liên lạc, phân loại, chia tách, cô lập đối tượng, đồng thời phát hiện truy bắt đối tượng; trao đổi thông tin tài liệu về công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; kiểm soát, kịp thời ngăn chặn và xử lý không để tai nạn giao thông đường thủy trong hồ xảy ra; thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản (cát), sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; phối hợp trong công tác cứu hộ, cứu nạn…