Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác của ngành, Công an tỉnh còn triển khai thực hiện 4 khâu đột phá gồm: cải cách hành chính; tổ chức cán bộ; công tác nghiệp vụ cơ bản và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt công tác nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và phục vụ tốt các yêu cầu nghiệp vụ của ngành, điển hình là phần mềm quản lý nhân hộ khẩu và các phần mềm ứng dụng liên thông với dữ liệu nhân hộ khẩu như: phần mềm quản lý dữ liệu chứng minh nhân dân và cấp số chứng minh nhân dân tự động, phần mềm quản lý tin báo tội phạm…
Trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, hàng năm, ngành Công an đã mở nhiều đợt cao điểm truy quét tấn công, trấn áp bọn tội phạm hình sự, bắt giữ 19.797 tên tội phạm hình sự, đưa đi cưỡng bức lao động 2.212 tên, tập trung cải tạo 1.512 tên, lập hồ sơ quản lý 4.348 đối tượng hình sự, triệt phá hàng trăm băng, ổ, nhóm hình sự... Riêng đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, theo nhận định của ngành Công an, thời gian vừa qua, tình hình tội phạm mua bán người ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đường dây, băng nhóm hoạt động một cách tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ của nhiều đối tượng trong và ngoài nước, nhiều đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam móc nối với các đối tượng trên địa bàn Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, … để hoạt động mua bán người. Trước đây các đối tượng thường tổ chức đưa những đàn ông người nước ngoài về Việt Nam để chọn phụ nữ mua làm vợ, nhưng hiện nay, các đối tượng chỉ tổ chức xem mặt các phụ nữ qua mạng Internet, sau khi được chọn thì mới đưa người chồng về Việt Nam làm giấy tờ, sau đó đưa về lại nước ngoài. Theo báo cáo từ ngành công an, tổng số nạn nhân bị mua bán được cơ quan chức năng tiếp nhận, giải cứu và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng là 256 nạn nhân. Trong đó, Công an tỉnh đã trực tiếp cứu 136 nạn nhân, cảnh sát Campuchia và Malaysia giải cứu trao trả cho tỉnh Tây Ninh 12 nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã bắt 31 vụ 229 đối tượng có hành vi mua bán người. Khởi tố, diều tra 25 vụ 144 bị can, xử phạt hành chính 6 vụ, 61 đối tượng với số tiền 765 triệu đồng, giải cứu 254 nạn nhân, tăng 131 đối tượng là tội phạm mua bán người so với giai đoạn 2006-2010.
Riêng 6 tháng đầu năm 2015, Công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá, bắt khởi tố 2 vụ 8 bị can, giải cứu 05 nạn nhân. Gần đây nhất, vào ngày 05/5/2015, tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành bắt quả tang 3 đối tượng đang làm thủ tục cho 3 phụ nữ Việt Nam cùng với 3 người Trung Quốc từ Ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hà Hội, sau đó tiếp tục xuất cảnh qua Trung Quốc, mục đích là bán làm vợ. Qua khai thác, lực lượng chức năng tiếp tục bắt khẩn cấp 3 đối tượng có liên quan. Kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng khai nhận từ trước đến nay đã bán sang Trung Quốc 15 phụ nữ Việt Nam.
Hành vi mua bán người là hành vi phạm pháp, diễn ra dưới nhiều hình thức, phổ biến là thông qua môi giới hôn nhân. Tuy tình trạng phụ nữ Tây Ninh kết hôn với người nước ngoài đã giảm, nhưng không vì vậy mà tình trạng mua bán người giảm theo, ngoài các hình thức cò mồi, dụ dỗ, môi giới…, hiện nay lại xuất hiện hình thức lừa phụ nữ đi du lịch, hợp tác lao động ngày càng tăng tại các nước như Trung Quốc, Ả Rập Xê Út…
Trước những kết quả đạt được trong công tác triển khai chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015, tỉnh Tây Ninh được Bộ Công an tặng bằng khen cho 6 tập thể, 11 cá nhân và 18 tập thể, 64 cá nhân được Công an tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Tâm Giang