Kiểm soát tiền chất ma túy: Thành công và thách thức

Thứ sáu - 22/11/2013 00:00 115 0
Sau 25 năm kể từ khi Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán trái phép các chất ma túy và chất hướng thần được thông qua vào năm 1998 (Công ước 1998), cộng đồng quốc tế đã đạt được những thành công trong việc hạn chế buôn bán trái phép các tiền chất hóa học tại các thị trường chính.

 

Các đối tượng tội phạm vẫn cần phải có tiền chất hóa học để sản xuất trái phép ma túy, nhưng các điều kiện và môi trường hiện tại đã có nhiều thay đổi khiến các đối tượng buôn lậu đang ngày càng phải chấp nhận nhiều khó khăn và nguy hiểm hơn để có được 23 chất hóa học theo như danh sách liệt kê tại Công ước 1998. Thêm vào đó, hầu hết các quốc gia đều đã tham gia vào Công ước 1998, nhiều chính sách quốc gia được ban hành đồng thời sự hợp tác, trao đổi đa phương đang ngày càng được tăng cường, chính vì vậy, cộng đồng quốc tế đạt được những thành công nhất định trong việc hạn chế buôn bán trái phép tiền chất hóa học, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những thách thức không nhỏ.

Chống buôn lậu tiền chất hóa học: Cần tăng cường hợp tác quốc tế

Có nhiều lý do giúp cộng đồng quốc tế đạt được những kết quả khả quan trong việc chống buôn lậu tiền chất hóa học. Đầu tiên phải kể đến đó là hệ thống thông báo trước khi xuất khẩu giúp chính phủ tại các nước xuất khẩu có thể xác thực tính hợp pháp của các giao dịch buôn bán chất hóa học với các cơ quan chức năng tại nước nhập khẩu.

Hệ thống này hiện đang được quản lý bởi Ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) tại Vienna. Chỉ trong vài năm, 136 quốc gia đã đăng ký và sử dụng hệ thống trực tuyến này để gửi và nhận trung bình 1.800 thông báo mỗi tháng.

Nhằm xác định nhanh chóng xu hướng chuyển đổi liên quan đến dòng lưu thông, buôn bán và sử dụng tiền chất, trong năm 2012, INCB đã chính thức vận hành Hệ thống Truyền thông tin liên quan đến tiền chất (PICS), một hệ thống đa nền tảng vận hành theo thời gian thực để trao đổi thông tin và các dữ liệu tình báo liên quan như các vụ bắt giữ, ngăn chặn, các giao dịch khả nghi… nhằm trợ giúp việc tiến hành các hoạt động điều tra song phương và đa phương. Trong vòng chưa đầy 1 năm, 240 người dùng đến từ 60 quốc gia, 8 tổ chức quốc tế và khu vực, bao gồm cả Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã sử dụng hệ thống này.

Thành công đạt được còn là kết quả của việc tăng cường hợp tác quốc tế. Các hoạt động của Nhóm thực thi, do INCB dẫn đầu với sự tham gia của WCO, Cảnh sát quốc tế (INTERPOL) và Chương trình kiểm soát Container của UNODC/WCO đã kích hoạt nhiều hoạt động thực thi quốc tế như DICE, Ice Block (2009), PAAD (2011), EPIG (2012)… Những chiến dịch này đã thành công trong việc chống lại sự buôn bán và sử dụng trái phép các tiền chất hóa học và trợ giúp cho công tác điều tra.

Còn nhiều thách thức

Các công cụ phục vụ cho hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin đã thật sự mang lại hiệu quả khiến các đối tượng buôn lậu buộc phải tìm kiếm các tiền chất mới, chưa bị kiểm soát cũng như khai thác các nguồn cung mới. Các biện pháp thắt chặt kiểm soát cũng làm cho các tuyến vận chuyển tiền chất trở lên phức tạp hơn. Chính những chuyển biến này đã đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan hải quan.

Có rất nhiều thách thức cần phải vượt qua trong việc kiểm soát tiền chất. Một số quốc gia hiện chưa có cơ quan chuyên trách để kiểm soát tiền chất, đặc biệt tại một số nước Châu Phi. Chính điều này đã khiến các nước này trở thành chỗ yếu để các đối tượng buôn lậu lợi dụng nhằm sản xuất, buôn bán và sử dụng trái phép các chất hóa học.

Ngày nay, các chất hóa học thay thế, bao gồm cả tiền chất, được ngành công nghiệp hóa chất sản xuất theo đơn đặt hàng từ nước ngoài đã làm nảy sinh vấn đề vướng mắc. Trong khi tại Tây Á và Đông Nam Á, các chế phẩm dược có chứa ephedrine vẫn là nguồn chính để sản xuất methamphetamine thì tại Châu Mỹ đang xuất hiện một hiểm họa khó lường trong việc sử dụng hóa chất không theo lịch trình. Việc luân chuyển acetic anhydride từ các kênh nội địa sau đó chuyển lậu vượt qua các biên giới quốc tế là phương pháp phổ biến nhất do các đối tượng buôn lậu sử dụng để cung cấp cho những nhà sản xuất heroin trái phép tại Afghanistan. Rõ ràng, các tổ chức buôn lậu và các mạng lưới tội phạm đã nhanh chóng thích nghi với các quy định và hoạt động thực thi pháp luật của cơ quan chức năng. Hiện đang có sự gia tăng đáng kể về chủng loại và số lượng các loại ma túy tổng hợp. Sự linh hoạt của các nguồn hóa chất và sự chuyển đổi trong việc sản xuất trái phép của các đối tượng buôn lậu đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng cơ chế để chống lại những hoạt động phạm pháp nêu trên.

Một điều khá quan trọng đó là cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực trong việc chia sẻ và trao đổi thông tin cũng như dữ liệu tình báo chiến lược liên quan đến các đơn đặt hàng hay các kiện hàng khả nghi, bao gồm cả các vụ bắt giữ, theo thời gian thực. Do đó, các tổ chức đa phương quốc tế có vai trò quan trọng, là cầu nối thuận lợi cho việc trao đổi thông tin.

MN (theo customs.gov.vn)

 

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây