Lạm dụng rượu, bia- hiểm họa gây tai nạn giao thông nghiêm trọng

Thứ tư - 15/10/2014 00:00 83 0
Phải khẳng định rằng bia, rượu là thức uống không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Chất lượng sống sẽ đạt hơn, sẽ “thăng hoa” hơn nhờ có bia, có rượu. Trong các dịp giao lưu, gặp gỡ, liên hoan, lễ hội, cưới hỏi,… đều không thể thiếu món “xúc tác” quan trọng bậc nhất này.

 

 

 Bia rượu kích thích tiêu hóa, tăng ngon miệng, cung cấp thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu dùng một ít thức uống có cồn, đặc biệt là rượu vang đỏ có thể làm giảm tỷ lệ bệnh xơ vữa động mạch, giảm bệnh lý mạch vành tim, uống từ 20 đến 40 gam mỗi ngày sẽ làm tăng tuổi thọ. Nhưng đằng sau điểm sáng tích cực của bia rượu, mặt trái bi thảm là tình trạng lạm dụng thức uống có cồn này đã để lại nhiều hệ lụy đáng buồn.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không ngừng phát triển, hệ thống đường giao thông nông thôn đều được phát triển rộng khắp đến xóm, ấp, hộ gia đình. Từ đó, phần lớn nhân dân sử dụng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy để đi lại công tác, giao thương…bên cạnh đời sống của nhân dân được nâng lên thì nhu cầu và xu hướng sử dụng rượu, bia trong các bữa tiệc, trong quan hệ công tác đang ngày càng gia tăng, đáng lo ngại hơn là lứa tuổi thanh, thiếu niên không nghề nghiệp thường xuyên tụ tập sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông ngày càng nhiều, nguy cơ gây ra tai nạn giao thông ngày càng cao.

Khi uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép, người điều khiển phương tiện sẽ không đủ tỉnh táo điều khiển phương tiện và xử lý các tình huống khi tham gia giao thông trên đường. Rượu, bia còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực. Rượu, bia gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách. Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu, bia thường có liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường,…

Thực tế cho thấy, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống bia rất lớn. Theo nhiều chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1l khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1l khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh…hiện nay số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức đáng báo động.

Theo luật giao thông đường bộ quy định: cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia đối với lái xe ôtô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người đi xe gắn máy. Đồng thời, Nghị định 34 cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, cụ thể: phạt 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc 0,4 mg/1l khí thở; phạt từ 2 đến 3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100ml máu hoặc 0,25-0,4 mg/1l khí thở.

Để hạn chế tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông một cách hiệu quả, trong thời gian qua, Công an tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiêu văn bản để tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Trong đó, tập trung thực hiện công tác tuyên truyền về chủ trương và các biện pháp xử lý người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia đến từng thành viên, hội viên, đến nhân dân trong từng tổ dân cư tự quản để nắm vững và chấp hành tốt luật giao thông. Đối với những trường hợp cán bộ, công nhân viên chức vi phạm bị lập biên bản xử lý thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ ghi lại hình ảnh và thông báo đến thủ trưởng đơn vị nơi công tác để tiếp tục theo dõi và nhắc nhở. Huy động lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn, kịp thời phát hiện các trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn và kiên quyết lập biên bản xử lý nghiêm để từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân về chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Cát Tường

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây