Tại hội nghị này, ngoài việc báo cáo kết quả hoạt động năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015, Ban tổ chức còn dành thời gian để các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến và trình bày một số mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử lược ghi và giới thiệu cùng bạn đọc nội dung 6 tham luận của đại biểu.
Mô hình “Toàn dân tham gia tố giác và truy bắt tội phạm”
Xã Bàu Năng có 6 ấp (giáp ranh địa bàn xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành và phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) cho nên tình hình ANTT luôn có nhiều yếu tố phức tạp, tội phạm và tệ nạn xã hội thường lợi dụng các khu vực giáp ranh để hoạt động hoặc gây án ở các xã giáp ranh huyện Hòa Thành, thành phố Tây Ninh rồi chạy sang xã bàu năng ẩn náu và ngược lại.
Ngày 28/11/2014 Ban chỉ đạo đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã Bàu Năng được UBND huyện Dương Minh Châu triển khai Công văn số 2694/UBND-NC ngày 20/10/2014 của UBND tỉnh Tây Ninh, Công văn số 1057/UBND ngày 28/11/2014 của UBND huyện Dương Minh Châu, Kế hoạch số 02/KH-CAH ngày 28/11/2014 về việc triển khai thực hiện mô hình “Toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm”, xã Bàu Năng chúng tôi được huyện quan tâm chọn xã làm điểm triển khai xây dựng mô hình “Toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm”. Xác định nhiệm vụ quan trong này chúng tôi xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, điều quan trọng là làm sao đề ra được các giải pháp có hiệu quả để tuyên truyền, vận động tất cả cán bộ, công nhân viên chức, người dân đều có tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, lúc nào củng cảnh giác tự bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình và sẵn sàng phát hiện tố giác các biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội để báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý, đồng thời bản thân từng người trở thành là thành viên xung kích tích cực nhất để truy bắt các đối tượng tội phạm trộm cắp, cướp tài sản… khi nhân dân kêu cứu.
Vào ngày 06/01/2015 xã chúng tôi tiến hành tổ chức triển khai mô hình “Toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm”, tại hội nghị này được các sở, ngành tỉnh, Ban chỉ đạo huyện Dương Minh Châu và đại diện các xã trên toàn huyện đến dự và giúp chúng tôi thêm nhiều giải pháp hay; qua triển khai thực hiện đến nay đã đạt một số kết quả như sau:
Chúng tôi xác định phải quán triệt cho tất cả Đảng viên, cán bộ, viên chức trong xã và đến Tổ trưởng các Tổ dân cư tự quản nhận thức đầy đủ ý nghĩa, nhiệm vụ của mô hình này, trong đó, chúng tôi đã tổ chức vận động tuyên truyền đến 20.319 nhân khẩu thường trú có độ tuổi từ 15 tuổi trở lên kể cả những nhân khẩu diện lưu trú trên địa bàn đều phải nắm, hiểu biết pháp luật, thi hành tốt không vi phạm pháp luật; ngoài ra còn có ý thức kịp thời báo cáo cho Công an xã các biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội và trong khi lao động sản xuất nghe tiếng truy hô trộm, cướp…
Xây dựng tài liệu tuyên truyền vận động tham gia mô hình “Toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm” xã đã nghiên cứu biên soạn tài liệu ngắn gọn, dể hiểu dùng làm tài liệu tuyên truyền, cụ thể:
Để tích cực tham gia giữ gìn ANTT, từng thành viên trong Tổ dân cư tự quản (tức là mỗi hộ gia đình) phải tích cực bảo vệ tài sản của chính mình, giáo dục từng thành viên trong hộ không vi phạm pháp luật.
Tham gia tố giác tội phạm nghĩa là trong lúc làm việc, công tác, lao động, sản xuất kinh doanh thấy có biểu hiện nghi vấn, thấy đối tượng lạ mặt xuất hiện phải kịp thời bí mật thông tin cho lực lượng Công an theo dõi xử lý.
Tham gia truy bắt tội phạm nghĩa là trong lúc làm việc, đi công tác, lao động sản xuất nếu nghe tiếng kêu cứu của bất cứ ai đều phải ra tay giúp đỡ, nhất là các đối tượng trộm cắp, cướp giật đang chạy trốn phải tham gia truy bắt giao Công an xử lý.
Hiện nay tài liệu này xã biên tập và đang cố gắng gửi đến từng Tổ dân cư tự quản.
Làm sao vận động tuyên truyền mô hình này đến tận người dân trong xã, đây là công việc khó, Ban chỉ đạo xã đã thành lập mỗi ấp có 01 Ban điều hành do Bí thư ấp làm Trưởng ban, Công an viên xã phụ trách ấp và Mặt trận ấp làm Phó ban, cơ cấu hết cán bộ ở ấp và Tổ trưởng các Tổ dân cư tự quản làm thành viên, có nhiệm vụ thông qua các cuộc sinh hoạt Tổ, hàng tháng hoặc đăng ký thực hiện Thông tư số 23 của Bộ Công an để vận động từng người dân để tham gia mô hình nầy, xếp lịch phân công các thành viên trong Ban điều hành thời gian xuống từng hộ để tuyên truyền vận động từng người dân tham gia mô hình.
Thông báo số điện thoại của lực lượng Công an xã, Công an viên phụ trách ấp, số điện thoại của cán bội xây dựng phong trào, cán bộ trinh sát hình sự phụ trách địa bàn xã đến từng Tổ dân cư tự quản biết nhằm kịp thời thông báo tin tức liên quan đến ANTT do mô hình này phát hiện cung cấp.
Hàng tháng thành viên Ban điều hành của từng ấp tham gia dự họp với từng Tổ dân cư tự quản để đánh giá chất lượng hoạt động của mô hình, cập nhật đối chiếu những thông tin để phản ánh về Ban chỉ đạo xã cho ý kiến.
Tuy mới triển khai, chưa đến giai đoạn sơ kết, nhưng xã Bàu Năng chúng tôi thấy việc triển khai mô hình nầy đã mang lại hiệu quả thật sự, bước đầu nó giúp cho nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhiều người dân thấy chuyện bất bình, phát hiện tệ nạn đều báo cáo cho cơ quan chức năng xử lý. Có thể nói, mỗi người dân trong xã đã trở thành lực lượng xung kích sẵn sàng đuổi bắt số đối tượng phạm tội chạy trốn, điển hình, trong giai đoạn triển khai đã có 05 quần chúng nhân dân có thành tích tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội đã được UBND xã ghi nhận thành tích.
Khi triển khai tốt mô hình này thì phong trào người dân trấn áp tội phạm sẽ mạnh hơn, tình hình ANTT sẽ tốt hơn, ông Võ Văn Khởi- Bí thư Đảng ủy xã Bàu Năng đã khẳng định như thế trong tham luận tại hội nghị.
BBT