Một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người trong giai đoạn hiện nay

Thứ ba - 19/05/2015 17:00 60 0
Trong những năm qua, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em đã được các ngành chức năng triệt phá quyết liệt, song vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với đối tượng nước ngoài.

Nạn buôn bán người, đặc biệt là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay, hành vi mua bán này đã xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Các đối tượng phạm tội hình thành các đường dây mua bán người từ Việt Nam sang các nước láng giềng với mục đích chính là bán nạn nhân vào các ổ mại dâm và các dịch vụ vui chơi, giải trí và bóc lột sức lao động. Tình trạng mua bán nội tạng, đẻ thuê, môi giới hôn nhân trái pháp luật với người nước ngoài đang diễn biến phức tạp gây bức xức trong dư luận quần chúng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên nhiều địa bàn của cả nước.

Tình trạng phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn người được bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:

- Hạn chế về nhận thức: Tùy vào đối tượng mà bọn tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau. Đối với những nạn nhân do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn lạc hậu, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế chúng thường dùng thủ đoạn dụ dỗ tìm kiếm việc làm với mức lượng cao để lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân đưa người sang biên giới bán cho nước ngoài để thực hiện các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng ép hôn nhân, bóc lột sức lao động…. Đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên là những đối tượng ở nội thành, nội thị có trình độ nhận thức cao hơn thì đối tượng phạm tội lại sử dụng các thủ đoạn khác như giả vờ làm quen, yêu đương, đưa đi chơi, đưa đi tham quan sau đó móc nối với các đối tượng ngoài biên giới bán cho các chủ chứa mại dâm hoặc bán cho những người nước ngoài có nhu cầu lấy vợ sau đó đưa sâu vào nội địa để nạn nhân không có cơ hội, không có điều kiện quay trở lại.  

- Thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình: Đây có thể được xem là một trong những nguyên nhân khiến nạn nhân dễ sa vào cạm bẫy, không ít các gia đình, các bậc cha mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ các em, nhưng cũng có những người vì cuộc sống quá cơ cực, bần hàn, họ phải lăn lộn để mưu sinh nên không còn thời gian và sức lực để chăm sóc con cái.

- Ham lợi ích vật chất: Ham lợi ích vật chất là yếu tố đầu tiên dẫn đến việc buôn bán phụ nữ và trẻ em, kẻ buôn người bất chấp pháp luật và đạo lý vì động cơ đê hèn và những lợi ích vật chất bất chính. Nạn nhân, bị hấp dẫn bởi lời dụ dỗ và những viễn cảnh cuộc sống tốt đẹp, lợi ích kinh tế mà bọn buôn người đưa ra, kết quả là sa vào bẫy của bọn chúng.

- Đói nghèo, thất nghiệp và thất học: Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhu cầu và xu hướng di dân,  đói nghèo và thất nghiệp dẫn đến nhu cầu tìm việc làm và thu nhập, thất học dẫn đến sự hạn chế về nhận thức, hiểu biết, thiếu các kỹ năng phòng tránh, dễ bị bọn xấu lợi dụng. Nạn nhân sống trong tình trạng nghèo đói, không có việc làm, thiếu kiến thức và giáo dục là những điều kiện thuận lợi cho bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ.

- Công tác tuyên truyền còn dàn trải: Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền mặc dù đã được tăng cường nhưng ở một số nơi còn mang tính phong trào, thời vụ, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn dàn trải chưa tương xứng với các giải pháp đề ra.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người

- Xóa đói giảm nghèo: Cần có chính sách hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập qua dạy nghề, cho vay vốn…cho đối tượng phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bọn buôn người ở những vùng khó khăn. Làm cho người dân có đời sống kinh tế ổn định, có công ăn việc làm, có khả năng thu nhập để có thể đảm bảo mức cơ bản nhu cầu cuộc sống.

- Phổ cập giáo dục để nâng cao trình độ dân trí: Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nạn nhân thường sa vào cạm bẫy của bọn buôn người là do đời sống kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí và sự hiểu biết kém. Trong các nạn nhân bị buôn bán phần đông là người mù chữ hoặc chỉ học đến cấp tiểu học, nạn nhân chủ yếu là làm ruộng, đi làm thuê hoặc đang trong tình trạng thất nghiệp. Những khó khăn trong cuộc sống, hạn chế về trình độ nhận thức đã đẩy họ trở thành "miếng mồi" ngon cho bọn tội phạm buôn người.

Như vậy, vấn đề xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là hết sức cần thiết cho những đối tượng có nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm vì nhờ đó họ có nền tảng tri thức để bảo vệ bản thân trước những cạm bẫy của bọn buôn người.

-Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về mua bán người

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, như: Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các buổi họp của ấp, tổ dân phố, nhà trường, nói chuyện chuyên đề cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ tại các buổi sinh hoạt đoàn thể để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người và cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân.

Bên cạnh đó, cần tổ chức phát động các phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, viết cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình họ tố giác tội phạm.

                                                                                                            Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây