Một số kiến thức cơ bản về phòng, chống mua bán người

Thứ tư - 30/09/2015 16:00 177 0
I. THẾ NÀO LÀ MUA BÁN NGƯỜI Mua bán người là việc đưa người đến nơi khác thông qua các hành vi tuyển dụng, vận chuyển, chuyển nhược, che dấu hoặc tiếp nhận người bằng các thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt, đe dọa, ép buộc, bắt cóc, nhằm mục đích bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc lấy các bộ phận cơ thể. Mua bán người có thể xẩy ra ở trong nước hoặc đem ra nước ngoài, không chỉ có phụ nữ và trẻ em gái, nam giới và trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân bị mua bán.

II. AI LÀ THỦ PHẠM MUA BÁN NGƯỜI

Thủ phạm mua bán người có thể là bất kỳ ai:

- Đàn ông hoặc đàn bà.

- Người lạ hay người quen; người thân, họ hàng, bạn bè, thập chí cả bố mẹ.

- Người Việt Nam hoặc người nước ngoài.

- Cá nhân hoặc các đường dây có tổ chức.

- Người làm thuê, mua bán ở các tỉnh giáp biên giới.

- Người đã từng bị mua, bán trở về cộng đồng lừa gạt những người khác.

- Kẻ nghiện ngập sa vào nợ nần không có khả năng chi trả.

- Người có tiền án, tiền sự về hành vi chứa chấp và môi giới mại dâm.

- Người có quan hệ móc nối với những tên chủ chứa, môi giới dẫn dắt mại dâm ở nước ngoài.

III. HÀNH VI, THỦ ĐOẠN MUA BÁN NGƯỜI

1. Các hành vi

- Mua bán phụ nữ, trẻ em.

- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

- Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

- Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi hành vi nêu trên.

- Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi nêu trên.

- Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.

- Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi nêu trên.

- Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.

- Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.

- Giả mạo là nạn nhân.

2. Các thủ đoạn mà tội phạm thường dùng để thực hiện hành vi mua bán người

- Lừa đảo, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao hoặc môi giới lấy chồng nước ngoài giàu có.

- Rủ đi làm ăn xa, đi chơi xa rồi ép buộc, dọa dẫm giữ hết tiền bạc, giấy tờ tùy thân để nạn nhân hoàn toàn lệ thuộc.

- Dùng tiền để mua chuộc, đẩy nạn nhân vào hoàn cảnh nợ nần.

- Làm quen, sau đó giả vờ yêu để lừa bán.

- Núp dưới hình thức đi du lịch nước ngoài, xuất khẩu lao động; đi thăm quan qua một tổ chức trá hình; xin con nuôi, thuê sinh con (hoặc) mua bán trẻ sơ sinh.

- Qua con đường xuất khẩu lao động hoặc đi du lịch ở nước ngoài.

- Ép buộc, cưỡng bức, hoặc đánh thuốc mê để đưa đi.

- Đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, qua nhiều nơi để không nhớ được đường.

   - Bắt cóc tại nước ngoài (Khi thấy phụ nữ đi sang nước ngoài, bọn tội phạm trong nước gọi điện sang nước ngoài để bọn tội phạm nước ngoài bắt cóc).   

IV. AI CÓ THỂ TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA BỌN MUA BÁN NGƯỜI     

Nạn nhân có thể là bất kỳ ai. Đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thuộc các đối tượng sau sẽ có nguy cơ là nạn nhân mua bán người:

Đối với phụ nữ:

- Phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn không có việc làm ổn định, có nhu cầu đi tìm việc làm.

- Phụ nữ sống trong gia đình có bạo lực.

- Phụ nữ sống buông thả, đua đòi.

- Sống trong trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn hoặc không hạnh phúc.

- Muốn đi đây, đi đó nhưng không có điều kiện kinh tế.

- Muốn thay đổi cuộc sống bằng cách chấp nhận lấy chồng nước ngoài.

Đối với trẻ em:

- Trẻ em sống trong gia đình bố mẹ ly hôn, có bạo hành, thiếu sự quan tâm chăm sóc.

- Trẻ em bỏ học lao động sớm.

- Trẻ em lang thang.

V. TÁC HẠI CỦA MUA BÁN NGƯỜI

- Tác hại với bản thân nạn nhân: Gây tâm lý sợ hãi, nhân phẩm bị chà đạp, sức khoẻ bị giảm sút, nguy cơ mắc các bệnh xã hội cao; xâm hại đến tính mạng của nạn nhân.

Tác hại với gia đình nạn nhân: Gây tâm lý hoang mang lo lắng cho gia đình, chồng mất vợ, con cái bơ vơ thiếu sự chăm sóc, bố mẹ mất con, hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

- Tác hại với xã hội: Ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, làm băng hoại đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Gia tăng tội phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh biên giới, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS; làm thiệt hại về kinh tế vì số người rời bỏ quê hương trong độ tuổi lao động trẻ, mặt khác nhà nước phảỉ bỏ ra nhiều tiền của, công sức để giúp đỡ, hồi phục sức khoẻ chữa bệnh cho nạn nhân.

VI. LÀM GÌ ĐẾ PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

- Hãy cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán ba, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

- Hãy tìm hiểu thật kỹ về nơi bạn định đến và người mà bạn đi cùng.

- Hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo cho gia đình biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.

-  Hãy tìm hiểu về pháp luật có liên quan trước khi đi.

- Quan tâm đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt chú ý đến các mối quan hệ của con em mình.

- Nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng an toàn cá nhân để bạn có thể bảo vệ mình và giúp đỡ người thân khỏi bị mua bán.

- Tuyên truyền cho những người xung quanh biết và cảnh giác với nạn mua bán người.

- Kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện đối tượng nghi vấn.

- Luôn ghi nhớ những địa chỉ tin cậy để có thể nhận được sự giúp đỡ khi khẩn cấp.
        Khi cần trợ giúp hãy liên hệ theo các địa chỉ và số điện thoại sau:

- Số điện thoại miễn phí 113 của công an.

-  Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh, ĐT: 3815549

* Trường hợp gọi từ nước ngoài: Cần bấm 0084 trước số điện thoại cần gọi.

- Hoặc liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, đơn vị Bộ đội Biên phòng hoặc Công an nơi gần nhất.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây