Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI, Bộ Công an), kể từ khi thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người từ năm 2005 đến tháng 6-2013, theo số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, cả nước có 3.200 vụ với 7.000 nạn nhân bị mua bán. So với thời gian trước, con số tăng 2,5 lần về số vụ và 3 lần về nạn nhân. Riêng trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 600 vụ lừa đảo 1.300 nạn nhân, trong đó, 80% bị bán ra nước ngoài. Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cũng cho thấy, dù đã thực hiện rất nhiều đợt cao điểm phòng chống tội phạm buôn bán người, nhưng cho đến nay, cả nước vẫn còn gần hàng chục địa bàn trọng điểm về loại tội phạm này.
Kết quả khảo sát của Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an xác định, hiện có khoảng 25.000 phụ nữ, trẻ em (PN, TE) vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, không có tin tức, nhiều người nghi bị mua bán.
Điều đáng báo động là, mặc dù các cơ quan chức năng tăng cường triển khai các biện pháp chống buôn bán PN,TE, nhưng hoạt động tội phạm này vẫn không giảm, trái lại, có chiều hướng ngày càng gia tăng. Xu hướng phạm tội có tổ chức đang được thể hiện rõ qua việc câu kết, móc nối giữa các đối tượng có tiền án, tiền sự, chủ chứa, môi giới mại dâm trong và ngoài nước.
Trên thực tế, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm chặn đứng, làm giảm tội phạm buôn bán người. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình tội phạm buôn bán người, đặc biệt là PN, TE ở nước ta vẫn không giảm mà tăng cả số vụ, số đối tượng phạm tội và số nạn nhân.
Lý do dẫn đến thực trạng này liên quan đến các nguyên nhân kinh tế, xã hội. Với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, số người xuất nhập cảnh qua biên giới nước ta ngày càng tăng. Đường biên giới với nhiều cửa khẩu chính và hàng trăm con đường tiểu ngạch đã tạo điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm buôn bán người hoạt động, trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Song, nguyên nhân chính vẫn là do sự khó khăn về kinh tế và lạc hậu về nhận thức xã hội của một bộ phận dân cư, đặc biệt, phụ nữ, các em gái ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhẹ dạ, cả tin, khiến cho bọn tội phạm dễ lợi dụng thông qua các dịch vụ hôn nhân, nhận con nuôi, tìm kiếm việc làm, đi buôn bán, tham quan du lịch... với mong muốn có được một cuộc sống sung túc hơn…
MN (ST)