Mãi mãi con người nói chung và trẻ em nói riêng không phải là hàng hóa để các cá nhân, tổ chức buôn bán kiếm lời. Thật xót xa, sự việc vẫn diễn ra. Trẻ em được ví như “búp trên cành”, các em có quyền được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ. Nhưng những kẻ nhẫn tâm đã làm ngược lại. Vì tiền các cá nhân này đã đánh mất thứ tình cảm giữa con người với con người trong xã hội.
Trở lại vụ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, chùa vốn là nơi cửa Phật linh thiêng nhưng ở đó vẫn còn tâm hồn “tăm tối”... Vẫn có kẻ đem bán trẻ em - vốn các em đã chịu rất nhiều thiệt thòi vì không cha, không mẹ,…Họ lại một lần nữa tạo thêm nỗi bất hạnh cho trẻ em!
(Trẻ em được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề Nguồn: vnexpress.net) |
Chỉ có những người lớn chúng ta mới hiểu rõ nỗi mất mát lớn lao khi không có gia đình đùm bọc, che chở. Trẻ em ngây thơ, trong sáng, chỉ biết hướng ánh mắt ngơ ngác nhìn thế giới xung quanh, tiếng cười trong veo của các em luôn gieo vào lòng người niềm yêu thương vô hạn.
Bởi vậy, khi biết vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề, rất nhiều người bàng hoàng, đau xót, phẫn nộ. Dư luận đang rất quan tâm đến vụ án này. Mọi việc đang chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Để góp phần phòng, chống lại nạn mua bán trẻ em, điều đầu tiên chúng ta cần làm đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người (trong đó có trẻ em) để cộng đồng cùng nhìn nhận đúng và có những hành vi phù hợp, vì lợi ích của trẻ em cũng như vì sự bình yên của xã hội.
Gia đình cũng cần yêu thương, chăm sóc, quan tâm trẻ em nhiều hơn. Như vậy, kẻ xấu không còn cơ hội để biến các em thành hàng hóa! Những “chủ nhân tương lai” sẽ được tạo điều kiện để học hành, vui chơi để trưởng thành sẽ là người có ích cho đất nước nói chung và gia đình nói riêng.
Đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm minh những kẻ buôn bán trẻ em. Có như vậy, tất cả sẽ cùng chung sức, đồng lòng phòng, chống mua bán trẻ em trên phạm vi cả nước.
Điều 120, Bộ Luật Hình sự quy định tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em:
1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em;
đ) Để đưa ra nước ngoài;
e) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
g) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
h) Tái phạm nguy hiểm;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
Hoàng Mai