Nâng cao năng lực thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em

Thứ ba - 13/01/2015 16:00 39 0
Đó là chủ đề của khoá tập huấn do Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức tại Bình Dương, từ ngày 7 - 9.1.2015 cho 3 tỉnh Bình Dương, Long An và Tây Ninh. Đối tượng tập huấn là cán bộ công chức làm công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT); cảnh sát giao thông và phóng viên báo, đài trong khu vực.

mu bao.JPG

Nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm Long Huei tại Bình Dương.

Tích cực hưởng ứng Tuần lễ An toàn đường bộ toàn cầu lần thứ 3 (4.5.2015 - 10.5.2015), với chủ đề "Trẻ em và an toàn giao thông" do Liên Hiệp Quốc phát động, Uỷ ban ATGT quốc gia xây dựng kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em khi tham gia giao thông, nhằm mục đích giáo dục, tuyên truyền sâu rộng quy định của pháp luật về việc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện đối với trẻ em.

Qua đó tạo sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội trong việc chấp hành quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; tăng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, góp phần giảm hậu quả tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến trẻ em trên phạm vi toàn quốc.

Qua lớp tập huấn, học viên hiểu rõ hơn về thực trạng và những thách thức trong việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe máy; hệ thống hoá các kiến thức và thông tin về quy định liên quan đến đội mũ bảo hiểm; nắm vững các bước xây dựng chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi và các kỹ năng thiết kế, tổ chức và giám sát các hoạt động, chiến dịch truyền thông.

Phát biểu trong lớp tập huấn, chuyên gia Bùi Huynh Long- nguyên Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia, cố vấn Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu cho biết, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở trẻ em tại Việt Nam có tăng hằng năm (tuy còn ở mức thấp 2011: 18,3%; 2014: 38,3%), nhất là ở khu vực nông thôn.

Nguyên nhân là do có nhiều phụ huynh cho rằng đi trên đoạn đường ngắn, ít khả năng xảy ra tai nạn, không cần đội mũ bảo hiểm cho trẻ; mũ bảo hiểm nặng, có thể ảnh hưởng đến cổ và cột sống của trẻ; cũng như việc thực thi pháp luật của cảnh sát giao thông (CSGT) còn nhiều hạn chế.

Theo bác sĩ Bùi Văn Trường- Giám đốc theo dõi và đánh giá- Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP), trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới thì chấn thương giao thông đứng thứ 8 (2010). Dự kiến đến năm 2030 chấn thương giao thông sẽ "lên hạng" 5. Đây là vấn nạn đòi hỏi sự quan tâm của các ngành các cấp trong thời gian tới, vì hiện nay ở nước ta hơn 75% số vụ TNGT đường bộ dẫn đến tử vong có ; liên quan đến người đi mô tô, xe máy.

Về việc thực hiện Tuần lễ An toàn đường bộ toàn cầu sắp tới, Uỷ ban ATGT quốc gia ban hành kế hoạch cụ thể như sau: Từ ngày 6 đến ngày 9.4.2015 sẽ kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm của học sinh tại các trường; tổ chức phê bình giáo viên, cán bộ nhà trường, học sinh vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm.

Ngày 10.4.2015 sẽ phối hợp các lực lượng liên quan tổ chức "Ngày cao điểm" tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em, tập trung khu vực xung quanh các trường học. Sau đó duy trì theo kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường bộ. Dự kiến bắt đầu từ ngày 17.4.2015 sẽ xử phạt các trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đi mô tô, xe máy.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây