Quyết định này quy định về việc cho vay vốn tạo việc làm đối với những cá nhân là người nhiễm HIV; Người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Người bán dâm hoàn lương và đối với hộ gia đình có thành viên là người nhiễm HIV/AIDS; Người sau cai nghiện ma túy; Người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Người bán dâm hoàn lương.
Các cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay vốn nhằm mục đích mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh, buôn bán; đầu tư làm các nghề thủ công trong hộ gia đình như: Mua nguyên vật liệu sản xuất, công cụ lao động, máy móc, thiết bị; góp vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác.
Mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp nhưng không vượt quá mức cho vay. Đối với cá nhân: Mức cho vay tối đa 20 triệu đồng/cá nhân. Đối với hộ gia đình: Mức cho vay tối đa 30 triệu đồng/hộ. Người vay có thể vay vốn nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định này.
Trường hợp cá nhân, hộ gia đình quy định trên, nếu đồng thời là đối tượng được vay vốn từ các chương trình ưu đãi khác tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì chỉ được xem xét cho vay một trong các chương trình ưu đãi đó.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Thời hạn cho vay tối đa là 60 tháng. Thời hạn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và cá nhân, hộ gia đình vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Trong giai đoạn thí điểm (2014 - 2016), áp dụng thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng.
Theo quyết định, từ năm 2014-2016, thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố. Từ năm 2017 triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2014.
Xem chi tiết Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg tại đây
MN