Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống ma túy

Thứ tư - 26/11/2014 00:00 60 0
Trong những năm qua, tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy đã trở thành vấn đề nóng bỏng của toàn cầu, là cuộc chiến lâu dài của nhân loại. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông Nam Á đang diễn biến ngày càng phức tạp. Việc sản xuất và sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó có ma túy tổng hợp dạng “đá” đang lan rộng ở mức độ nghiêm trọng, mỗi năm ước tính sản xuất khoảng 2 tỷ viên ma túy tổng hợp.

 

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Những tác động nêu trên đã và đang làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến phức tạp hơn; tính chất tội phạm ngày càng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả quyết liệt khi bị phát hiện bắt giữ.

Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp về phòng, chống ma túy và chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống ma túy. Ngày 26/3/2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma tuý và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”; ngày 27/6/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1101/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015.

Do có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống ma túy đã được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế, xã hội và an ninh, trật tự của đất nước. Nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp được nâng lên, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống ma túy.

Nhiều giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa được triển khai thực hiện, tạo được sự chuyển biến tích cực ở cơ sở; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực phòng, chống ma túy đã được nâng lên; mô hình cai nghiện thay thế bằng Methadone đã bước đầu phát huy hiệu quả. Do vậy, đã kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm ma túy và người sử dụng ma túy; làm chậm sự gia tăng người nhiễm HIV mới và giảm số người chết do AIDS.

Trong thời gian qua, Lực lượng Công an đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy; liên tục mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, tập trung trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các địa bàn Tây Bắc (Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu), tuyến Đông Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng), bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), khu vực Tây Nam (Tây Ninh, An Giang) và các thành phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy ở khu dân cư được quan tâm chỉ đạo nhân rộng, phát huy hiệu quả thiết thực. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo duy trì được 630 mô hình khu dân cư phòng, chống ma túy, xây dựng 7 mô hình mới về phòng, chống ma túy. Đồng thời, nhân rộng các mô hình “Khu dân cư không có người nghiện ma túy”, “Gia đình, dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội”...qua đó nhiều địa phương đã áp dụng rộng rãi các mô hình hoạt động có hiệu quả như mô hình “Khu dân cư không có người vi phạm pháp luật”, “Khu dân cư không có tệ nạn ma túy”, “Gia đình, dòng họ không có tệ nạn ma túy”..., góp phần hạn chế tội phạm và tệ nạn ma túy.

Trong lĩnh vực cai nghiện, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp cũng quan tâm chỉ đạo đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện với nhiều hình thức; đồng thời chú trọng quản lý đối tượng sau cai nghiện ở cộng đồng. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là mô hình cai nghiện theo xu hướng đổi mới nhưng chưa được thực hiện tại Tây Ninh, vì tầm quan trọng của việc cai nghiện tại cộng đồng và chăm sóc sau điều trị tại cộng đồng là rất lớn. Để công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trong thời gian tới đạt hiệu quả, các ngành, các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, chọn lọc về nội dung cũng như nhóm đối tượng để truyền tải đến cho người dân, người nghiện hiểu.

Trong thời gian tới, tình hình tội phạm và tệ  nạn ma tuý, gắn với thảm họa ma tuý tổng hợp trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đang thực sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nhiều quốc gia. Ở nước ta, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có nhiều diễn biến phức tạp mới, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tội phạm và tệ nạn ma túy đã và đang thực sự trở thành hiểm họa lớn, nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời. Do vậy, đấu tranh phòng, chống ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài; đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

                                                                                                                 K.H

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây