Quy định về phát hiện, xử lý vi phạm về phòng, chống mua bán người

Thứ hai - 29/09/2014 00:00 52 0
Tại Chương II Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 (PCMBN), gồm 5 điều (từ Điều 19 đến Điều 23) quy định về việc phát hiện, tố giác, tố cáo, báo tin về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người ; giải quyết các tin báo, tố giác, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

 

 

Về phát hiện hành vi vi phạm, nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố giác, báo tin, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, Điều 19 của Luật PCMBN quy định cá nhân có thể tố giác, báo tin về vi phạm với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bất kỳ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện. Ngoài ra, Luật không có quy định khống chế về hình thức báo tin, tố giác vi phạm, điều đó có nghĩa là người dân có thể sử dụng bất kỳ hình thức nào mà họ thấy thuận tiện như: trực tiếp bằng miệng, qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc gửi văn bản.

Bên cạnh đó, Điều 20 Luật PCMBN nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức. Theo đó, các cơ quan, tổ chức phải thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm thì phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm chủ động phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Cùng với việc quy định trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức, Điều 21 của Luật PCMBN cũng nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng phòng, chống mua bán người trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển).

Về phần xử lý, việc xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng đã được Bộ luật tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật quy định khá đầy đủ và cụ thể. Vì vậy, Luật PCMBN chỉ dừng lại ở một số quy định mang tính nguyên tắc về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người kèm theo viện dẫn sang các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cụ thể: Điều 23 của Luật PCMBN quy định việc xử lý vi phạm theo nguyên tắc viện dẫn, tuy nhiên có phân biệt rõ việc xử lý đối với 03 loại đối tượng cụ thể, đó là: thứ nhất, đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; thứ hai, đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, dung túng, xử lý không đúng hoặc không xử lý hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; và đối tượng thứ ba là đối với người giả mạo là nạn nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận.

                                                                                                                        Bảo Ngọc

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây