Tội phạm mua bán người trên địa bàn Tây Ninh

Thứ tư - 30/08/2017 11:00 67 0
Qua công tác đấu tranh đối với các đối tượng trong các đường dây mua bán người có thế đánh giá, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng như các tỉnh lân cận có chiều hướng gia tăng, phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ và mang tính chất quốc tế, phụ nữ Việt Nam được mua bán chủ yếu sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia... dưới hình thức lừa đảo hôn nhân trái pháp luật.

Đối tượng phạm tội thường là các đối tượng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có thân nhân sinh sống tại các nước hoặc có chồng là người Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia rồi quay về móc nối với các đối tượng ở Việt Nam đế tuyển chọn lừa gạt đưa phụ nữ Việt Nam sang các nước bán nhằm thu lợi bất chính.

Phương thức, thủ đoạn: Các đối tượng phụ nữ có chồng Trung Quốc móc nối với một số đối tượng người Trung Quốc tổ chức cho xem mặt các phụ nữ Việt Nam thông qua mạng zalo, facebook ... sau khi được chọn thì đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán làm vợ. Hoặc các đối tượng tổ chức đưa một số đàn ông Trung Quốc về Việt Nam thuê mướn cho ở các khách sạn ở TP. Hồ Chí Minh rồi móc nối với các đối tượng ở Tây Ninh tuyển chọn các phụ nữ đưa xuống coi mặt và bán làm vợ. Các đối tượng lợi dụng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm ... để dụ dỗ đưa ra nước ngoài lấy chồng giàu sang, hợp tác lao động với mức lương rất cao... nhưng thực chất là tuyển chọn đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán cho đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ. Bên cạnh đó, các đối tượng còn câu kết với nhau tổ chức đưa các phụ nữ xuất cảnh sang Campuchia, sau đó qua Thái Lan rồi đưa sang Malaysia, Singapore bán vào các tụ điểm hoạt động mại dâm.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng hoạt động mua bán người, các đối tượng môi giới, dụ dỗ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trái pháp luật để người dân biết, nâng cao cảnh giác, được 7.544 cuộc có hơn 203.924 lượt người tham, dự; phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng được 68.480 phút. Báo Tây Ninh, Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh đưa 89 tin, bài viết về các vụ triệt phá đường dây mua bán người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các địa phương khác có liên quan; 05 tiểu phẩm, phóng sự; xây dựng 01 đĩa phim phóng sự và 01 đĩa tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở thêm chuyên mục ANTT phát định kỳ vào tối chủ nhật hàng tuần; Báo Tây Ninh ra phụ trương ANTT trên các số hàng ngày nhằm thường xuyên đưa thông tin về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người để tuyên truyền nhằm giúp cho nhân dân cảnh giác không để tội phạm lợi dụng, dụ dỗ. Qua đó quần chúng nhân dân đã cung cấp 312 tin báo về tội phạm mua bán người phục vụ công tác đấu tranh điều tra; Sở LĐTB - XH tỉnh tổ chức Đối thoại chính sách về công tác phòng, chống mua bán người được 02 cuộc có hơn 1.000 người tham dự (trên địa bàn xã Thành Long, huyện Châu Thành và xã  Long Thuận, huyện Bến Cầu); Sở LĐTB - XH tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện thành lập các nhóm "Tự lực" trên địa bàn các huyện Gò Dầu, Châu Thành, Hòa Thành, Tân Biên và thành phố Tây Ninh với hơn 90 nạn nhân bị mua bán dưới sự tài trợ của Tổ chức phi chính phủ IOM.

Lực lượng Công an phối hợp lực lượng Biên phòng tuần tra vũ trang phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia được 764 lượt, kết quả phát hiện 14 trường hợp người Việt Nam và 23 người Campuchia qua lại biên giới mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 07 trường hợp với tổng số tiền 24.500.000đ, số còn lại cho làm cam kết nhắc nhở.

Từ năm 2007 đến nay, Công an Tây Ninh đã đấu tranh 58 vụ (47 chuyên án, 11 kế hoạch), bắt 354 đối tượng, giải cứu 297 nạn nhân (trong đó lực lượng Công an phối hợp lực lượng Biên phòng bắt 03 vụ - 05 đối tượng, giải cứu 11 nạn nhân). Khởi tố, điều tra 47 vụ - 245 bị can (21 bị can người Trung Quốc; 03 bị can người Malaysia; 221 bị can người Việt Nam); xử phạt vi phạm hành chính 109 đối tượng với số tiền 794 triệu đồng. Qua khai thác các đối tượng khai nhận đã bán trót lọt 478 phụ nữ, hiện nay còn khoảng 198 nạn nhân chưa xác định được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài. Lực lượng Biên phòng bắt 01 vụ 01 đối tượng bắt cóc trẻ em đưa sang Campuchia (cháu bé 05 tuổi); phối hợp với lực lượng Campuchia bắt 01 vụ 29 đối tượng tổ chức xuất cảnh trái phép đưa sang nước ngoài lao động, khởi tố 01 vụ 01 bị can giao Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh thụ lý, xử lý hành chính 28 đối tượng xuất cảnh trái phép với số tiền 210 triệu đồng.

Điển hình như: Ngày 23/01/2014, Công an tỉnh Tây Ninh thực hiện kế hoạch phá án, phối hợp với Cục A72 - Bộ Công an; Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Cảng vụ hàng không miền Nam sân bay Tân Sơn Nhất; Công an phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, bắt quả tang 08 đối tượng đang làm thủ tục cho 05 phụ nữ lên máy bay xuất cảnh sang Trung Quốc giao lại cho người khác bán cho đàn ông Trung Quốc mua làm vợ, giải cứu 05 nạn nhân. Qua điều tra khai thác, các đối tượng khai nhận từ năm 2011 cho đến nay đã tổ chức bán sang Trung Quốc tổng cộng 15 phụ nữ Việt Nam, trong đó có 10 phụ nữ đã bán trót lọt. Khởi tố vụ án và 08 bị can.

Vào ngày 05/5/2015, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành bắt quả tang 03 đối tượng (trong đó có 01 đối tượng người Trung Quốc) đang làm thủ tục cho 03 phụ nữ Việt Nam cùng với 03 người đàn ông Trung Quốc từ Ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hà Nội, sau đó tiếp tục xuất cảnh qua Trung Quốc, mục đích là bán làm vợ. Qua khai thác, tiếp tục bắt khẩn cấp 03 đối tượng có liên quan. Kết quả điều tra ban đầu các đối tượng khai nhận từ trước đến nay đã bán trót lọt sang Trung Quốc 15 phụ nữ. Khởi tố vụ án và 05 bị can.

Ngày 27/4/2017, Công an Tây Ninh triệt phá chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán người sang Trung Quốc. Bắt 04 đối tượng đang làm thủ tục đưa  03 cô gái Việt Nam ra Sân bay Tân Sơn Nhất đi máy bay đến Hải Phòng, sau đó đưa ra cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) để đưa sang Trung Quốc bán cho đàn ông Trung Quốc mua làm vợ và giải cứu 03 nạn nhân. Qua điều, tra đối tượng khai nhận đã dụ dỗ, tuyển chọn, môi giới bán lừa bán trót lọt 06 phụ nữ là người ở Tây Ninh, Bạc Liêu, Đồng Tháp cho đàn ông Trung Quốc mua làm vợ.... Vụ án đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tóa án nhân dân xác định 39 vụ án trọng điểm để đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử; phối hợp với Tòa án tổ chức 36 phiên tòa lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Từ năm 2007 đến nay, Tây Ninh có 478 người là nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người (trong đó có 42 nạn nhân được giải cứu. 238 nạn nhân tự giải thoát trở về, 198 nạn nhân còn ở nước ngoài. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đã hỗ trợ cho 82 nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng với số tiền 87,3 triệu đồng.

Thực hiện Hiệp định song phương Việt Nam - Campuchia và Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Công an - Việt Nam và Bộ Nội vụ Campuchia về đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, Công an tỉnh Tây Ninh luân phiên 01 năm tổ chức ký kết Kế hoạch hợp tác với các tỉnh Campuchia giáp biên giới, trên cơ sở đó, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các huyện biên giới tăng cường phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm với Phòng trọng án và thường án của Ty Cảnh sát các tỉnh Campuchia giáp biên giới.

Lực lượng Công an, Biên phòng thường xuyên duy trì giao ban hàng quý đối với cấp xã, 06 tháng đối với cấp huyện để rút kinh nghiệm và ký kết biên bản, kế hoạch phối hợp trong thời gian tiếp theo.

Thời gian qua, vấn đề hợp tác phòng, chống tội phạm nói chung trong đó có phòng, chống tội phạm mua bán người với lực lượng chức năng của các tỉnh Campuchia giáp biên giới đã không ngừng được thúc đẩy và tăng cường. Trên cơ sở các biên bản, kế hoạch đã ký kết, các bên thường xuyên phối hợp, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới, do đó đã giải quyết tốt các tình huống xảy ra, phát hiện bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm nguy hiểm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ tốt tình hình an ninh biên giới.

Xác định Tây Ninh là một trong những địa phương trọng điểm để triển khai Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí, phương tiện hoạt động để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.

Các ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, kết hợp phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, thành phố thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết đánh giá những mặt làm được, những tồn tại, hạn chế để có phương hướng thực hiện tiếp theo, nhất là các địa bàn chọn làm điểm để triển khai nhân rộng. Công tác phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người đạt hiệu quả cao được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen, góp phần giữ vững ANCT, ổn định TTATXH phục vụ tích cực việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong thời gian tới, Tây Ninh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020 và các đề án thuộc Chương trình gắn với thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 16/TTg ngày 27/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 862-CV/TU ngày 19/01/2010 của Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác quản lý hôn nhân có yếu tố nước ngoài; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống mua bán người, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, để nâng cao ý thức phòng ngừa, tố giác tội phạm trong giới nữ và người dân; Thường xuyên nắm thông tin quản lý người nhân trong gia đình của các đối tượng này để áp dụng các biện pháp quản lý, bố trí CTVBM giám sát số phụ nữ có chồng thường xuyên về nước, kịp thời phát hiện đối tượng, người thân... có biếu hiện dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt phụ nữ đưa sang nước ngoài lấy chồng nhưng mục đích để lừa bán thu lợi để lập án đấu tranh triệt phá; Công an, Biên phòng các cấp tăng cường công tác nghiệp vụ, xác lập chuyên án, đấu tranh triệt phá đường dây mua bán người; tổ chức triển khai chỉ đạo quyết liệt công tác tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh; Công an, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tốt việc tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả hơn cho số phụ nữ được giải cứu và tự trở về; Công an, Viện kiểm sát, Tòa án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử; đề xuất chọn án điểm đưa xét xử lưu động để răn đe, phòng ngừa chung; Tăng cường phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố và các lực lượng chức năng Campuchia giáp biên trong trao đổi thông tin về tội phạm, nạn nhân bị mua bán để phối hợp kịp thời trong công tác điều tra, xác minh, giải cứu nạn nhân và truy bắt đối tượng phạm tội.

Quang Dững

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây