9 tháng qua, cả nước xảy ra hơn 21.800 vụ TNGT, làm chết 7.040 người, bị thương 21.780 người. Mặc dù, tình hình tai nạn đã giảm nhưng số người chết lại tăng 139 người.
Trong rất nhiều nguyên nhân của TNGT được dư luận đề cập đến trong thời gian qua, công tác đăng kiểm xe cơ giới cũng được nhắc đến. Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác bao nhiêu vụ tai nạn liên quan từ khâu đăng kiểm, nhưng thực tế sai phạm trong quy trình ở một số trung tâm đăng kiểm không phải là không có .
Báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm xã hội hoá công tác đăng kiểm xe cơ giới ngày 17/10 cho thấy, ở một số trung tâm thí điểm hoạt động theo mô hình xã hội hoá, sai phạm phổ biến thường là: Không kiểm tra vẫn cấp giấy chứng nhận, đăng kiểm viên không nắm vững quy trình, thao tác kiểm tra sai; cấp sai chu kỳ kiểm định, tải trọng cho phép hoặc thực hiện kiểm tra không đúng quy trình, bỏ hạng mục công đoạn kiểm tra, ghi chép không đầy đủ các nội dung vào phiếu theo dõi hồ sơ...
Trên các cơ sở sai phạm, mặc dù Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đình chỉ hoạt động có thời hạn 6/9 trung tâm, đình chỉ chức danh 51 đăng kiểm viên, trong đó có 7 đăng kiểm viên là Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm nhưng đó vẫn chỉ là biện pháp bất đắc dĩ. Vấn đề ở chỗ làm thế nào xây dựng được mô hình phù hợp cho hoạt động đăng kiểm cũng như công tác quản lý hoạt động này để nâng cao chất lượng, giảm ngân sách đầu tư của nhà nước mà vẫn thu hút được mọi thành phần tham gia đầu tư .
Cả nước hiện có 110 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới với 196 dây chuyền kiểm định. Trong đó, 79 trung tâm do các Sở GTVT quản lý; 19 trung tâm do Cục Đăng kiểm Việt Nam và 12 trung tâm do các doanh nghiệp quản lý.
Thực hiện chủ trương xã hội hoá theo Quyết định số 1658/QĐ-BGTVT ngày 16/5/2005, Cục Đăng kiểm đã thí điểm thành lập một số trung tâm đăng kiểm theo hai mô hình.
Mô hình thứ nhất thực hiện theo hướng các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trung tâm đăng kiểm và tổ chức thực hiện công tác kiểm định xe cơ giới (giai đoạn 2005-2008); mô hình thứ hai (từ 2009 đến nay) là các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cán bộ đăng kiểm là viên chức, công chức thuộc các sở GTVT hoặc Cục Đăng Kiểm thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận.
Đánh giá về mô hình thí điểm này, Cục Đăng kiểm cho biết, có ưu điểm huy động được các nguồn lực, tiềm lực của xã hội đầu tư cho hoạt động kiểm định, giảm chi ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu kiểm định do tăng trưởng phương tiện.
Song hạn chế nổi lên là các doanh nghiệp thường đặt mục tiêu lợi nhuận lên cao, do vậy đã có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ thấp tiêu chuẩn không thực hiện đúng, đủ quy trình kiểm định, việc sử dụng cán bộ đăng kiểm của một số đơn vị chưa đúng tiêu chuẩn, thiếu kiến thức thực tế. Đối với mô hình cử công chức viên chức của các sở GTVT tham gia thực hiện công tác kiểm định mặc dù có kết quả hơn, đó là hạn chế được mặt tiêu cực của các doanh nghiệp tới các hoạt động kiểm định, bảo đảm tính khách quan của kết quả kiểm tra, nhưng hạn chế nếu chiểu theo luật công chức viên chức thì không phù hợp.
Trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ, Giám đốc một doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này biết: Bộ Giao thông vận tải cần xác định rõ đăng kiểm là mô hình sự nghiệp có thu hay mô hình doanh nghiệp, bởi đăng kiểm mục tiêu là góp phần đảm bảo cho an toàn sinh mạng con người, tài sản, bảo vệ môi trường, không vì mục tiêu lợi nhuận, còn khi đã xã hội hoá các doanh nghiệp thường có xu hướng mục tiêu lợi nhuận cao và nhanh chóng thu hồi vốn.
Một khía cạnh khác đó là phí và lệ phí, theo các doanh nghiệp quy định về phí và lệ phí kiểm định xe cơ giới hiện rất thấp, điều này dẫn tới việc hạn chế các Trung tâm đăng kiểm và nhà đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất cũng như đầu tư vào lĩnh vực này.
Giám đốc Công ty Vận tải ô tô Gia Lai, ông Đoàn Đức Lập chia sẻ, công ty đầu tư 2 dây chuyền đăng kiểm trên 15 tỷ đồng (chưa kể kinh phí đào tạo đăng kiểm viên và nhân viên). Tuy nhiên sau khi hoàn thành bộ máy và bàn giao cho Sở GTVT khai thác kinh doanh thì chỉ được chia theo tỷ lệ 50/50. Hai năm nay, Công ty này phải bù lỗ mỗi năm 600 triệu cho 2 dây truyền kiểm định. “Nếu chúng tôi làm đơn lẻ chắc chắn doanh nghệp phá sản”, ông Lập chia sẻ.
Tại cuộc họp sơ kết mới đây đánh giá về mô hình thí điểm xã hội hoá đăng kiểm của Bộ GTVT tổ chức, đại diện các cơ quan liên quan cũng thừa nhận cơ chế chưa rõ khiến cho sau 9 năm triển khai, vẫn chưa tìm được mô hình chuẩn cho hoạt động này.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trịnh Ngọc Giao khẳng định nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả công tác đăng kiểm, Cục đã triển khai đề án xã hội hoá của bộ GTVT. Sau 9 năm thu hút được vốn ngoài xã hội ở 15 trung tâm, giảm chi phí ngân sách cho nhà nước. Tuy nhiên do mức phí không đủ bù chi nên một số trung tâm đã phải dừng hoạt động, bên cạnh đó, ở các trung tâm xã hội hóa hoàn toàn đã xuất hiện nhiều sai phạm.
Hiện Cục đang tìm lộ trình để chuyển các trung tâm xã hội hoá 100% sang mô hình nhà đầu tư cơ sở vật chất, công chức, viên chức thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên mô hình này cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu trong khi chưa tìm được một mô hình chuẩn cho hoạt động đăng kiểm, thì cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đồng thời phân cấp cho các địa phương để hạn chế thấp nhất TNGT do lỗi kỹ thuật của phương tiện.
Theo chinhphu.vn