Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp

Thứ tư - 10/09/2014 00:00 56 0
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong thời gian qua tình hình tội phạm mua bán người diễn ra khá phức tạp. Trong cả nước đã xảy ra 301 vụ với 382 đối tượng và 651 nạn nhân (tăng cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân so với cùng kỳ năm 2013). Phần lớn các vụ việc xảy ra tại các địa phương có vùng biên giới tiếp giáp Trung Quốc, Campuchia và thành phố lớn (Lào Cai, Hà Giang, Nghệ an , Sơn La, Quảng Nam, Lai Châu, An Giang, Tây Ninh, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

 

Thủ đoạn chính của của tội phạm buôn bán người trong thời gian gần đây là tìm đối tượng là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hoặc sinh con ngoài ý muốn để mua trẻ sơ sinh hoặc lợi dung sơ hở của các Trung tâm nuôi dạy chăm sóc trẻ mồ cô để bắt cóc và chiếm đoạt; Tổ chức cho người nước ngoài xem mặt, chọn vợ, tổ chức kết hôn giả hay môi giới hôn nhân trái pháp luật để lừa ra nước ngoài bán làm vợ hoặc ép buộc hoạt động mại dâm; Hứa hẹn tìm việc làm với mức lương cao để đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với mục đích bóc lột lao động.

Công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người trong thời gian qua đã và đang thực hiện đồng bộ trên các mảng trọng tâm: tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa; điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tăng cường xây dựng và hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua các bộ ngành, đoàn thể Trung ương đã phối hợp tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng; thiết lập đường dây nóng; tập trung xây dựng các mô hình phòng ngừa tội phạm tại cộng đồng, ký các bản cam kết tuyên truyền, phát tờ rơi, sổ tay. Riêng Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức 05 cuộc mít tinh, đối thoại chính sách, thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống mua bán người, tổ chức 02 lớp tập huấn cho báo cáo viên cấp tỉnh, huyện và tổ chức 40 buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về di cư lao động an toàn.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh cho biết mỗi năm lực lượng công an đã tham gia triệt phá từ 7 - 8 vụ mua bán người. Cụ thể, trong 6 tháng  đầu năm 2014, Công an tỉnh Tây Ninh triệt phá 5 đường dây môi giới hôn nhân trái phép, bắt 34 đối tượng, giải cứu 21 nạn nhân bao gồm cả người trong và ngoài tỉnh.

Đối với công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về, các bộ ngành, đoàn thể đã tăng cường công tác phối hợp, triển khai tốt hoạt động giải cứu, tiếp nhận nạn nhân, phối hợp với địa phương thực hiện chính sách và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu và xác minh 445 nạn nhân, trong đó trên 50% số nạn nhân được hỗ trợ các dịch vụ liên quan. Mô hình “ Nhà tạm lánh” dành cho nạn nhân tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang (do Bộ LĐ-TB-XH, Hội LHPN VN quản lý ); các trung tâm bảo trợ xã hội tại các tỉnh trong cả nước duy trì tốt hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ. Các dịch vụ hỗ trợ mang tính toàn diện: hỗ trợ y tế, tâm lý, chăm sóc sức khỏe, học nghề, trợ giúp pháp lý và cung cấp nhà tạm lánh, tại các trung tâm tạm lánh, Ngôi nhà Bình Yên đã giúp nhiều nạn nhân là phụ nữ, trẻ em tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền cần phải tiến hành đồng thời giữa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân, với tuyên truyền các kết quả đạt được trong phòng, chống buôn bán người các cấp, các ngành, địa phương. Các hoạt động hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cần được xã hội hóa giúp mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân mới trở về. Bên cạnh các nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài về thì nạn nhân bị buôn bán trong nước cũng là đối tượng cần đặc biệt quan tâm trong cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả, tác hại của nạn mua bán người cũng như các chính sách, pháp luật và cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Hội LHPN Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo các tỉnh/ thành nâng cao hiệu qủa công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm tại cộng đồng. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Lào tổ chức phát động chiến dịch truyền thông về phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt - Lào tại thị xã Lao Bảo, Quảng Trị; duy trì các hoạt động truyền thông cộng đồng trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Tại Tây Ninh, các sở, ban, ngành và Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm các huyện, thanh phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người với nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú. Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 1.395 cuộc có 29.506 lượt người tham dự, phối hợp với Báo Tây Ninh thực hiện loạt phóng sự điều tra về các vụ triệt phá đường dây mua bán người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố và Trạm truyền thanh các xã, phường, thị trấn thường xuyên thông báo các phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm buôn bán người để tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được 13.320 phút.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với cấp uỷ, chính quyền 20 xã biên giới tổ chức tuyên truyền được 85 cuộc, có 2.864 lượt người tham dự, phối hợp với Đài Truyền thanh 5 huyện biên giới và Trạm Truyền thanh 20 xã đưa tin được 61 giờ, đặt 14 panô tuyên truyền tội phạm mua bán người.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh cho biết mỗi năm lực lượng công an đã tham gia triệt phá từ 7 - 8 vụ mua bán người. Cụ thể, trong 6 tháng  đầu năm 2014, Công an tỉnh Tây Ninh triệt phá 5 đường dây môi giới hôn nhân trái phép, bắt 34 đối tượng, giải cứu 21 nạn nhân bao gồm cả người trong và ngoài tỉnh.           

                                                                                                        Kim Hà

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây