Ngày 26/5/2016, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và phòng, chống aids, ma túy, mại dâm tỉnh Tây Ninh (Ban chỉ đạo 138 tỉnh) đã ban hành Kế hoạch số 1366/KH-BCĐ triển khai thực hiện Đề án 5 "Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người" thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Tây Ninh.
Kế hoạch nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người nhằm giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đồng thời, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất toàn diện trong phòng, chống mua bán người.
Theo Kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông được Ban chỉ đạo 138 tỉnh giao chủ trì Tiểu đề án 1 "Truyền thông phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng". Công tác tuyên truyền tập trung vào việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong xã hội với các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm mua bán người bằng nhiều hình thức thiết thực, đơn giản phù hợp với nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị mua bán. Công tác tuyên truyền các nội dung Chương trình 130/CP của Chính phủ được lồng ghép với các Chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 09/CP của Chính phủ về tăng cường phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/11/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy; Chương trình bảo vệ trẻ em; Cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Phong trào "toàn dân tham gia tố giác tội phạm";…
Với chức năng nhiệm vụ giao, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, định hướng các cơ quan báo chí, chỉ đạo Đài truyền thanh, Phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đến người dân địa phương. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật phòng, chống mua bán người nói riêng nhằm giúp cho mọi người dân kịp thời nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, từ đó nâng cao nhận thức về chủ động phòng ngừa và kỹ năng tự ứng phó của người dân khi gặp nguy cơ bị bán, tích cực tham gia phòng chống mua bán người, không để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.
Kim Hà