Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Trương Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế; đồng chí Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến khó lường, khó dự báo. Bối cảnh toàn cầu hóa phát triển; nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng với diễn biến thời tiết thay đổi thất thường là các điều kiện thuận lợi làm càng tăng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan; trong đó khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới, trong năm 2023, đã xảy ra 8.205 ổ dịch, riêng 03 tháng đầu năm đã xảy ra 1.291 ổ dịch; đặc biệt tại Campuchia đã có 06 người nhiễm vi rút A/H5N1, trong đó có 4 người tử vong, từ đầu năm đến nay có 05 ca nhiễm A/H5N1 tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, năm 2023, đã phát hiện 21 ổ dịch A/H5N1 tại 11 tỉnh, buộc tiêu hủy hơn 40 nghìn con gia cầm, giảm trên 60 % so với năm 2022; Trong 3 tháng 3 đầu năm 2024 đã phát hiện 06 ổ dịch A/H5N1 tại 06 tỉnh, buộc tiêu hủy gần 9 ngìn con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Về tình hình bệnh Dại trên động vật, tại Việt Nam năm 2023 đã xảy ra 347 ca bệnh Dại trên động vật tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022 tại 31 tỉnh, thành phố tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022; từ ngày 01/01 đến ngày 25/3/2024 đã phát hiện 56 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận một số thực trạng bệnh dại trên người, những khó khăn, thách thức và các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại tại Việt Nam, đồng thời chia sẽ những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Quang cảnh tại điểm cầu Bộ Y tế
Kết luận tại hội nghị, Đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các ngành tập trung các nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, Dại…; Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xửu lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
ML