Thực trạng đường thuỷ Tây Ninh
Theo Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (do Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông – Bộ GTVT lập) cho biết, tổng chiều dài hệ thống sông, rạch trên địa bàn tỉnh là 617km (chỉ tính những sông, rạch chính). Trong đó chiều dài sông, rạch có thể khai thác vận tải là 422,8km. Đáng lưu ý là sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đến ngã ba Cát Lái, thì hợp với sông Đồng Nai, với chiều dài 219km. Riêng đoạn chảy qua địa phận tỉnh Tây Ninh có chiều dài 101km. Sông Vàm Cỏ Đông, ở phía Tây Nam tỉnh Tây Ninh, bắt nguồn từ Campuchia chảy qua địa phận 2 tỉnh Tây Ninh và Long An, từ phía Bắc xuống phía Nam hợp với sông Vàm Cỏ Tây rồi đổ ra biển. Đoạn từ biên giới Campuchia đến ngã ba sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây có tổng chiều dài 185km. Trong đó, đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Tây Ninh (từ biên giới Campuchia đến địa phận xã Phước Chỉ, Trảng Bàng) có chiều dài 105km. Về các con rạch chính gồm: Rạch Trảng Bàng nằm trong địa bàn xã An Hoà; điểm đầu tại thị trấn Trảng Bàng, điểm cuối đổ ra sông Vàm Cỏ Đông, chiều dài hơn 10km. Rạch Tây Ninh bắt nguồn từ núi Bà Đen chảy theo hướng Bắc – Nam đổ ra sông Vàm Cỏ Đông tại xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành, với tổng chiều dài 25km. Trong đó đoạn có khả năng khai thác vận tải từ thị xã Tây Ninh ra cửa rạch có chiều dài khảo sát hơn 10km. Rạch Bảo bắt đầu từ ranh biên giới Việt Nam - Campuchia qua địa phận xã Long Thuận, huyện Bến Cầu. Hiện tại đoạn rạch này chỉ có các phương tiện sông, với trọng tải 10 tấn đến 15 tấn đang khai thác. Rạch Bến Đá từ thị trấn Tân Biên đến sông Vàm Cỏ Đông dài 35km. Trong đó đoạn có khả năng khai thác vận tải, từ cầu Vịnh thuộc địa phận xã An Cơ, huyện Châu Thành, đến sông Vàm Cỏ Đông, dài 7,789km.
Bến phà Phước Chỉ |
Để khai thác vận tải đường thuỷ nội địa, trên các dòng sông đã hình thành các bến cảng chính như: cảng Bến Kéo nằm bên bờ trái sông Vàm Cỏ Đông, tại xã Long Thành Nam (Hoà Thành), có quy mô lớn, năng lực thiết kế khối lượng hàng hoá thông qua cảng hơn 100.000 tấn/năm. Cảng có vị trí quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của tỉnh. Hệ thống bến bãi, kho chứa hàng, hệ thống giao thông trong cảng phát huy hiệu quả tốt. Cảng đã đảm nhận việc nhập máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng, phân bón và xuất đi các loại hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ… Bến Ninh Điền nằm bên bờ phải sông Vàm Cỏ Đông thuộc ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền (Châu Thành). Đây chỉ là một điểm đỗ của ghe thuyền, sà lan, bốc xếp hoàn toàn bằng thủ công. Bến Đìa Xù, vị trí xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, bên bờ Bắc rạch Đìa Xù nối với sông Vàm Cỏ Đông; các phương tiện đường sông như ghe thuyền, sà lan, bốc xếp bằng thủ công, phục vụ dân khu vực Bến Cầu. Bến Vịnh, ở ấp Vịnh, xã An Cơ, huyện Châu Thành, bên bờ trái rạch Bến Đá, là bến cho các ghe nhỏ neo đậu, khai thác hàng hoá. Bến Bùng Binh (thuộc ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng) nằm trên tuyến sông Sài Gòn, là bến chuyên thu gom trung chuyển cát, chiều dài khoảng 200m và chiều rộng khoảng 100m. Bến Đình (ấp B, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu), trên bờ phải sông Vàm Cỏ Đông, quy mô nhỏ phục vụ khai thác cát bằng các phương tiện thô sơ, chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân khu vực huyện Bến Cầu. Bến khai thác cát Lòng Hồ nằm trong lòng hồ Dầu Tiếng, tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Bến bốc dỡ Clinker nguyên liệu và xuất xi măng Fico, cách cảng Bến Kéo hiện hữu khoảng 600m về phía hạ lưu. Bến xăng dầu Long Thành Nam nằm ở bờ trái sông Vàm Cỏ Đông là bến giao nhận xăng dầu phục vụ phần lớn nhu cầu nhiên liệu cho tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống giao thông vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn Tây Ninh chưa phát triển. Sản lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường thuỷ còn quá thấp (chỉ được gần 2% so với tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển của tỉnh). Khả năng liên kết thuỷ -bộ còn nhiều hạn chế. Hiện nay, vận tải hàng hoá ở Tây Ninh chủ yếu vẫn bằng đường bộ.
Quy hoạch tổng thể đường thuỷ đến năm 2020
Theo “Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” (trong đó có quy hoạch giao thông vận tải đường thuỷ) cho biết, quy hoạch vận tải đường thuỷ trong thời gian tới chủ yếu là quy hoạch các luồng hàng. Đối với sông Sài Gòn, đoạn thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh đề xuất bố trí cảng từ đoạn Bùng Binh xuống hạ lưu giáp với địa phận huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), gồm cảng tổng hợp và cảng vật liệu xây dựng. Đối với tuyến sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ cảng Hảo Đước đến Phước Chỉ có chiều dài 84km, chiều rộng đáy sông 60m, độ sâu 5,5m. Đoạn này có chiều rộng luồng đạt tiêu chuẩn sông cấp III, độ sâu đạt tiêu chuẩn sông cấp I, độ tĩnh không các cầu qua sông đạt tiêu chuẩn cấp IV. Đảm bảo cho các phương tiện sà lan tự hành có trọng tải từ 1.000 tấn đến 2.000 tấn qua lại thuận lợi. Do vậy không cần phải nạo vét mà chỉ cần lắp đặt phao tiêu báo hiệu. Về Quy hoạch các tuyến kênh rạch nội tỉnh: rạch Trảng Bàng là trục giao thông thuỷ giao lưu hàng hoá khu vực thị trấn Trảng Bàng, với các cảng sông trong và ngoài tỉnh. Quy hoạch đạt cấp VI. Đầu tư khối lượng nạo vét khoảng 70.000m3. Rạch Tây Ninh là rạch kết nối thị xã Tây Ninh ra sông Vàm Cỏ Đông, có chiều dài hơn 10km (đoạn có khả năng khai thác vận tải).Vai trò của tuyến là giao lưu hàng hoá từ thị xã Tây Ninh đến các cụm cảng nội tỉnh và liên tỉnh. Định hướng quy hoạch, nạo vét mở rộng luồng ở các đoạn cạn và hẹp đạt tiêu chuẩn cấp VI, với khối lượng nạo vét khoảng 150.000m3. Rạch Bảo là rạch kết nối các kênh rạch của thị trấn Bến Cầu với sông Vàm Cỏ Đông, có chiều dài hơn 4km. Vai trò của tuyến là trục đường thuỷ giao lưu hàng hoá từ thị trấn Bến Cầu và các xã trong khu vực của huyện đến các cảng nội tỉnh và liên tỉnh. Định hướng nạo vét các bãi cạn đạt tiêu chuẩn kênh cấp V. Rạch Bến Đá là rạch kết nối từ thị trấn Tân Biên đến sông Vàm Cỏ Đông, đoạn có thể lưu thông tốt từ cầu Vịnh, xã An Cơ có chiều dài khảo sát 7,765km (đoạn có khả năng khai thác vận tải).Vai trò của tuyến là giao lưu hàng hoá từ thị trấn Tân Biên đến các cụm cảng nội tỉnh và liên tỉnh. Định hướng quy hoạch nạo vét mở rộng luồng ở các đoạn cạn và hẹp đạt tiêu chuẩn cấp IV. Khối lượng nạo vét khoảng 552.000m3.
Về quy hoạch cảng, bến trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 23 vị trí cảng, gồm 12 cảng tổng hợp; 3 cảng xăng dầu; 8 cảng vật liệu xây dựng và các khu cảng dành cho du lịch. Ước tính nhu cầu lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường sông Tây Ninh đến năm 2020 sẽ đạt hơn 16 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 20% khối lượng vận tải toàn ngành GTVT tỉnh). Do đó cần phải quy hoạch hệ thống cảng sông trên địa bàn tỉnh để tổ chức xếp dỡ hàng hoá giải phóng tàu, sà lan nhanh chóng.
Theo BTNO