Thêm một người Anh hùng làm rạng danh quê hương Tây Ninh

Thứ ba - 05/03/2013 00:00 178 0
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông trên quê hương Lộc Hưng, Trảng Bàng, hưởng ứng phong trào yêu nước của cách mạng tháng Tám, ông Trần Nam Hùng (nguyên là Tỉnh đội phó Tỉnh đội Tây Ninh, Tham mưu phó Quân khu 7) đã tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền rồi gia nhập đơn vị Vệ quốc của huyện Trảng Bàng. Sau "chín năm chống Pháp” ông tập kết ra Bắc, rồi được đưa đi đào tạo tốt nghiệp Học viện Lục quân Hoàng Phố, ông giữ chức Đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 330 Bộ đội miền Nam tập kết.

Đại tá Trần Nam Hùng

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Nam Hùng trực tiếp chỉ huy chiến đấu trong các chiến dịch lớn như: Bình Giã, Phước Long- Đồng Xoài, chiến dịch phản công đánh bại cuộc càn Junction City Bắc Tây Ninh; Tết Mậu Thân năm 1968; chiến dịch Nguyễn Huệ; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với hơn 500 trận đánh lớn, nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam bộ và chiến trường Campuchia.

Tiêu biểu là trận chiến đấu phối hợp cùng Trung đoàn 2 Sư đoàn 9 tiêu diệt Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn “Anh cả đỏ” của Mỹ ở Bàu Bàng. Đây là trận đầu tiên trên chiến trường Nam bộ ta tiêu diệt quân Mỹ cấp lữ đoàn. Lúc đó ông Trần Nam Hùng là Tiểu đoàn trưởng, đơn vị có quân số trên dưới 400 cán bộ, chiến sĩ, có nhiệm vụ nổ súng đầu tiên vào đúng giờ “G”, cùng Trung đoàn 2 nhanh chóng tiêu diệt cụm quân địch ở sân bóng phía Bắc ấp chiến lược Bàu Bàng trước khi trời sáng. Sau khi hạ quyết tâm, giao nhiệm vụ cho các đại đội xong, khi đơn vị tiếp cận mục tiêu thì không phát hiện địch. Khi đó các tiểu đoàn bạn lui về vị trí tập kết, Tiểu đoàn 1 của Trần Nam Hùng không liên lạc được với Trung đoàn. Trước tình hình đó, ông nhạy bén, bàn với Chính trị viên Tiểu đoàn chỉ huy đơn vị hành quân xuống hướng Nam đánh địch theo phương án 2. Sau một chút phân vân, Chính trị viên đề nghị họp Đảng uỷ, nhưng do không còn đủ thời gian nên Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên tự quyết, cùng chịu trách nhiệm trước Đảng uỷ và thống nhất hành quân về hướng Nam Bàu Bàng.

Khi phát hiện địch thì đã hơn 4 giờ sáng, cũng là lúc kết nối lại được đường dây thông tin, Tiểu đoàn trưởng Trần Nam Hùng liền báo cáo Trung đoàn xin phép nổ súng tiêu diệt địch. Đúng 5 giờ sáng, được lệnh của Trung đoàn, Tiểu đoàn 1 lập tức nổ súng. Ngay loạt đạn đầu đơn vị đã tiêu diệt một số xe tăng ở tiền duyên, chớp thời cơ các mũi đột phá của ta đánh chiếm vòng ngoài. Địch dùng xe tăng phản công quyết liệt. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 chiến đấu rất ngoan cường nhưng hoả lực địch quá mạnh nên cả hai mũi tiến công của Tiểu đoàn 1 đều bị nhiều thương vong. Chiến trận ngày càng giằng co quyết liệt, Trần Nam Hùng đã mưu trí chỉ huy đơn vị sử dụng lối đánh áp sát địch để phát huy tối đa hiệu quả của bộc phá, lựu đạn, tiêu diệt từng chiếc xe tăng địch. Giữa lúc đó thì 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 2 kịp thời đến trận địa, cùng với Tiểu đoàn 1 tạo thế bao vây chia cắt địch. Đến 11 giờ trưa quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Kết quả trận đánh ác liệt ở Bàu Bàng, ta tiêu diệt trên 2.000 tên địch cùng 39 xe tăng và 8 khẩu pháo hạng nặng.

Niềm vui chiến thắng (ảnh tư liệu)

 Trận Bàu Bàng là một trong những trận điển hình trong hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ của ông Trần Nam Hùng. Qua từng trận đánh đã thể hiện rõ bản lĩnh và ý chí chiến đấu kiên cường của người cán bộ chỉ huy kinh qua hai thời kỳ kháng chiến. Trong thời khắc quyết định, ông đã quyết đoán, chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau này đơn vị và cấp trên cùng có chung đánh giá “Sự cương quyết của Tiểu đoàn trưởng Trần Nam Hùng là một trong những yếu tố làm nên chiến thắng Bàu Bàng”. Sau trận chiến đấu này ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Với những thành tích đạt được, đại tá Trần Nam Hùng đã được Đảng và Nhà nước ta trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Thành đồng; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 45, 50, 60 năm tuổi Đảng. Đặc biệt, ngày 6.12.2012 đại tá Trần Nam Hùng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đây là thành tích, là niềm tự hào không chỉ của riêng ông mà còn là của cả thế hệ hôm nay với những công lao to lớn trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước, trong đó sự tham gia chiến đấu dũng cảm của anh hùng LLVT nhân dân Trần Nam Hùng.

Kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống LLVT Tây Ninh năm nay, một lần nữa, những trang sử vàng của Tây Ninh nói chung, LLVT tỉnh nhà nói riêng vinh dự ghi thêm tên của một người anh hùng- Anh hùng LLVT nhân dân Trần Nam Hùng.

Theo BTNO

 

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây