Một vụ cưỡng chế thi hành án tại huyện Dương Minh Châu (ảnh minh hoạ) |
Trả lời vấn đề này, Cục Thi hành án Dân sự cho biết, từ ngày 01.10.2012 đến ngày 31.5.2013, ngành đã thụ lý 23.080 việc – tăng so với cùng kỳ năm 2012 là 2.815 việc. Trong đó số năm trước chuyển sang là 11.990 việc, mới thụ lý 11.090 việc. Tổng số việc có điều kiện thi hành án là 20.071 việc, đã thi hành xong 7.713/20.071 việc – đạt tỷ lệ 38,4%, tăng 1.409 việc so với cùng kỳ. Tổng số việc chưa có điều kiện thi hành là 3.009 việc.
Tổng số tiền thụ lý 1.158.188.201.000 đồng - tăng so cùng kỳ là 406.575.924.000 đồng. Trong đó, số năm trước chuyển sang 686.965.165.000 đồng, mới thụ lý 471.223.036.000 đồng. Số tiền có điều kiện thi hành 950.887.235.000 đồng, đã thi hành xong 321.379.838.000 đồng – đạt tỷ lệ 34%, tăng 99.437.882.000 đồng so với cùng kỳ. Số tiền chưa có điều kiện thi hành 207.300.966.000 đồng.
Theo Cục thi hành án Dân sự tỉnh, lượng việc phải thi hành trên toàn tỉnh nhiều do một bản án có nhiều việc thi hành án, cụ thể 01 bản án về hụi sẽ có nhiều việc thi hành án do có nhiều người được thi hành án. Hiện hằng năm các TAND trong tỉnh xử hơn 10.000 việc nên số lượng việc thi hành án thụ lý ngày càng cao. Mặt khác, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động dẫn đến có nhiều tranh chấp về dân sự. Song song đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật dân sự và thi hành án chưa được sâu rộng. Công tác hoà giải cấp cơ sở chưa thực hiện tốt dẫn đến các tranh chấp phải đưa đến Toà án xét xử, từ đó phát sinh nhiều bản án, số lượng việc thi hành án tăng cao.
Hiện nay, lượng việc thụ lý của ngành Thi hành án dân sự Tây Ninh đứng thứ 4 trên toàn quốc, chỉ ít hơn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Tiền Giang. Trung bình 01 tháng mỗi chi cục thụ lý 138 việc mới. Số lượng biên chế, chấp hành viên hiện có chưa đáp ứng nhu cầu khối lượng công việc. Bình quân 01 chấp hành viên phải giải quyết 391 việc/ 8 tháng, 49 việc/ tháng. So sánh (thời điểm 01.10.2012 đến 31.5.2013) với một số địa phương trong khu vực như Ninh Thuận tổng số thụ lý 2.892 việc, Bình Phước 8.743 việc, Vũng Tàu 7.545 việc, Đắk Nông 2.790 việc, Đồng Nai 19.076 việc… thì Tây Ninh đến 31.5.2013 đã là 23.080 việc, trong khi số lượng biên chế của các tỉnh chênh lệch nhau không nhiều.
Bên cạnh đó, án chưa có điều kiện thi hành là các trường hợp được pháp luật quy định, thuộc về yếu tố khách quan như người phải thi hành án đang thụ hình phạt tù, không có tài sản, bỏ địa phương đi, không rõ nơi cư trú… cơ quan thi hành án dân sự không thể tổ chức thi hành những loại việc này và phải xử lý theo trình tự, thủ tục quy định. Pháp luật về thi hành án dân sự còn có những quy định chưa phù hợp với thực tiễn, chưa quy định hết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành án…
Cục thi hành án Dân sự tỉnh cho biết thêm, trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, có những biện pháp rèn luyện phẩm chất cán bộ công chức phù hợp, đạt hiệu quả; chỉ đạo các đơn vị thường xuyên giáo dục công chức học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường công tác thi hành án, hạn chế tiêu cực, phòng chống tham nhũng. Tăng cường công tác chỉ đạo nghiệp vụ; chấp hành viên, cán bộ tăng cường đi địa bàn tập trung giải quyết án. Tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với các cơ quan thi hành án dân sự huyện, thị. Phát động đợt thi đua nước rút, hoàn thành chỉ tiêu được phân bổ; tích cực giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền Luật thi hành án dân sự, giải thích pháp luật cho công dân hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường lãnh đạo phát huy dân chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật lao động. Ban lãnh đạo Cục thường xuyên hằng tuần, hằng tháng bám sát kết quả thi hành án của các đơn vị trực thuộc để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Theo BTNO