9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 02 vụ, bắt 10 đối tượng, khởi tố hình sự 09 đối tượng mua bán người. Các nạn nhân chủ yếu bị mua bán sang Ả rập xê út, Trung Quốc, Malaysia bằng hình thức lấy chồng, bóc lột sức lao động và lừa bán vào tụ điểm mại dâm.
Nhằm góp phần nâng cao kỹ năng kiến thức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giúp các nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, tháng 4/2015 Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng đã phối hợp Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức khóa "Tập huấn về kỹ năng sống và các dịch vụ sẵn có tại địa phương cho các nạn nhân bị mua bán trở về" cho 25 nạn nhân bị mua bán (nhóm tự lực).
Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/9/2015, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra về trật tự xã hội - Công an tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp nhận, tổ chức bàn giao cho các địa phương 22 nạn nhân. Đồng thời, hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ tiền tàu xe và hỗ trợ học nghề cho 23 nạn nhân với tổng số tiền là 23.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, nhằm ngăn ngừa buôn bán người và bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là đối tượng trẻ em, tại một số Đặc khu kinh tế và hành lang kinh tế tại Campuchia, Lào và Việt Nam" giữa Tổ chức di cư Quốc tế IOM và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức lễ ký kết và giới thiệu Dự án "Giảm tính dễ bị tổn thương của người di cư.
Để các nạn nhận bị mua bán trở về tự tin hơn trong cuộc sống, Chi cục đã tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu 76 nạn nhân và vận động 24 nạn nhân bị mua bán trở về tham gia sinh hoạt nhóm tự lực. Việc tham gia nhóm tự lực giúp họ trở lại cộng đồng dân cư tuyên truyền về phòng chống mua bán người để mọi người cùng cảnh giác.
Nhằm giúp cho thành viên nhóm tự lực hiểu được truyền thông là gì, biết cách tiếp cận, thuyết phục, xây dựng và phát triển mối quan hệ trong cộng đồng từ đó kết hợp giữa hoạt động tuyên truyền và hoạt động vận động nhằm mục đích nâng cao nhận thức, phòng, chống mua bán người thông qua gia đình, cộng đồng, xã hội và thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử tích cực, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, 9 tháng năm 2015, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tập huấn kỹ năng truyền thông cho 25 người là điều phối viên và thành viên nhóm tự lực.
Có thể nói rằng, công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về góp phần quan trọng giúp các nạn nhân lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu quan tâm chỉ đạo trong việc rà soát, thống kê và hỗ trợ nạn nhân. Chưa có cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên việc nắm bắt thông tin, cập nhật số liệu chưa kịp thời khó khăn trong công tác xác minh, lập hồ sơ hỗ trợ. Nhiều nạn nhân bị mua bán sau khi trở về do tâm lý mặc cảm của gia đình và nạn nhân nên việc tiếp cận để nắm bắt thông tin, giải quyết chế độ, động viên nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao sức mạnh và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chính sách dành cho người bị mua bán trở về. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh trong việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Kịp thời trao đổi thông tin về diễn biến tình hình nạn nhân bị mua bán trên địa bàn để có biện pháp phòng, chống hiệu quả đồng thời giải cứu nạn nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường công tác truyền thông để cho nhân dân nắm được các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, hậu quả tác hại của nạn mua bán người nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bị lừa gạt trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Cung cấp đầy đủ các thông tin về chế độ, chính sách trong việc hỗ trợ nạn nhân.
MN