Đánh giá về kết quả này, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Khương Kim Tạo cho biết: Công tác quản lý xe khách thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu trước đây, TNGT liên quan đến xe khách dồn dập nhưng thời gian gần đây đã giảm hẳn. Đây là kết quả bước đầu sau 4 tháng triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10 của Bộ trưởng Bộ GTVT về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách kéo giảm TNGT trong kinh doanh vận tải đường bộ.
Tuy nhiên ông Tạo cũng đề nghị cần tập trung siết chặt công tác quản lý để không làm gia tăng TNGT liên quan đến xe khách vì đây là phương tiện ảnh hưởng đến sinh mạng rất nhiều người.
Còn theo Vụ trưởng Vụ An toàn (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thuấn, với 3 nội dung mới của hai Chỉ thị số 12 và số 10 đã xác định rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm ATGT, bất cập trong công tác thực thi công vụ và bất cập trong công tác quản trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đã tập trung vào các đối tượng quản lý trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cấp phép luồng tuyến, đăng kiểm nên đã góp phần chặn đướng được đà gia tăng số vụ, số người thiệt mạng cũng như số người bị thương vì tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, mặc dù tháng 8 và tháng 9, TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã giảm, nhưng để duy trì được mục tiêu giảm 5-10% như Quốc hội yêu cầu vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp các ngành, đặc biệt là vai trò của Bộ Công an, Bộ GTVT.
Theo ông Tuấn, từ nay đến cuối năm 2013, nhu cầu vận tải phục vụ Tết Nguyên đán và các ngày lễ sẽ gia tăng, trong khi nguy cơ tăng TNGT do xe khách thường vào các ngày thứ 6, 7, Chủ nhật và thứ 2 cùng với đó là việc cạnh tranh kinh doanh vận tải thường vi phạm về tốc độ, chở quá số người… vẫn tiềm ẩn, đặc biệt tập trung chủ yếu đối với các xe chạy tuyến đường dài trên QL1 và xe liên tuyến nguy cơ xảy ra TNGT cao hơn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, đảm bảo an toàn giao thông bền vững, các nhà hoạch định chính sách cần có chiến lược dài hơi, đó là tái cơ cấu lại hoạt động vận tải, xây dựng được những doanh nghiệp vận tải lớn. Đây là ý tưởng đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện được, theo ông Thanh Bộ GTVT cần tham mưu Chính phủ đưa ra cơ chế hợp lý để có thể tạo một chuyển biến lớn trong vận tải, cần xây dựng tại các tỉnh, thành phố có những doanh nghiệp đủ mạnh, quản trị hiện đại, có thương hiệu từ đó sẽ nâng cao được chất lượng phục vụ, giảm tai nạn giao thông.
Còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn không được thì phải giải thể. Từ cơ chế đúng đắn sẽ tạo nên những doanh nghiệp đủ mạnh.
Thống kê của Bộ GTVT, trong 9 tháng qua cả nước xảy ra hơn 21.800 vụ tai nạn giao thông, làm thiệt mạng 7.040 người, bị thương 21.780 người. Mặc dù giảm được hai tiêu chí (số vụ, số người bị thương) nhưng số người thiệt mạng lại tăng cao (139 người) so với cùng kỳ 2012.
Vụ trưởng Vụ An toàn Nguyễn Văn Thuấn cho biết sở dĩ số người thiệt mạng tăng cao do những tháng đầu năm 2013 số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe container tăng, tuy nhiên 2 tháng trở lại đây vấn đề này đã bắt đầu khắc phục và giảm trên cả 3 tiêu chí.
Theo chinhphu.vn