Một buổi truyền thông phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em tại xã Ðại Ðồng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Ảnh: AN CÔNG |
Phức tạp và nhiều thủ đoạn tinh vi
Theo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), đặc thù của tội phạm MBN là hoạt động xuyên quốc gia. MBN gắn liền với vấn đề kinh tế-xã hội, an ninh đối ngoại. Tại Việt Nam, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người đang diễn ra ngày càng phức tạp, xu hướng tăng và quốc tế hóa. Ðặc biệt, loại tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới Việt Nam giáp với Trung Quốc, Cam-pu-chia và Lào. Ðáng báo động hơn, không chỉ xảy ra tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em, nạn mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, nội tạng, đẻ thuê cũng diễn ra phổ biến với nhiều thủ đoạn và diễn biến phức tạp. Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm hơn 80%), phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, dân trí thấp, bị lừa bán từ nông thôn ra thành thị, từ các khu công nghiệp, từ trong nước ra nước ngoài. Thủ đoạn phổ biến mà bọn tội phạm thường sử dụng là đưa ra những lời hứa hẹn về việc làm có thu nhập cao đối với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm, văn hóa thấp, rồi tìm cách đưa ra nước ngoài bán.
Mới đây, sau gần một tháng bị bắt làm gái mại dâm ở Ma-lai-xi-a, N T H (SN 1993, ở huyện U Minh, Cà Mau) đã trốn được về nước và tố cáo hành vi của đối tượng MBN. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, H mong muốn có việc làm để phụ giúp cha mẹ. Ðược người mợ khoe tại nhà hàng ở Ma-lai-xi-a đang tuyển tiếp viên nữ với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Ngày 3-3-2013, H được đưa lên TP Hồ Chí Minh làm thủ tục sang nước bạn. Vừa tới sân bay Ma-lai-xi-a, có người đưa H đến một quán cà-phê và lấy hết giấy tờ, ép cô làm gái mại dâm. H trình báo với Công an tỉnh Cà Mau, ngoài cô, có hàng chục cô gái Việt Nam bị lừa gạt bán vào "tổ quỷ" mại dâm này.
Thống kê từ báo cáo của các địa phương cho thấy, từ khi thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm MBN đến nay (từ năm 2006 - 2013) cả nước xảy ra hơn 3.200 vụ, với gần 5.600 đối tượng, lừa bán hơn 7.000 nạn nhân. So với cùng thời gian trước, tăng hai lần số vụ, 2,5 lần số đối tượng và ba lần số nạn nhân. Mặt khác, nhiều đối tượng cũng lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội về hôn nhân, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, đi thăm, du lịch... để lừa gạt những người nhẹ dạ.
Mặc dù công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như phòng, chống loại tội phạm này rất quyết liệt, nhưng các đối tượng MBN đều hoạt động rất tinh vi và đặc biệt là "dẻo mồm". Các ổ nhóm phạm tội thường là các đối tượng lang thang, không nghề nghiệp tụ tập với nhau thuê phòng trọ ở tập trung tại các trung tâm đô thị, khu tập trung đông người, gần khu công nghiệp, trường học... để có điều kiện dễ tiếp cận, làm quen với những phụ nữ nhẹ dạ rồi lừa bán. Các đối tượng thường lên mạng in-tơ-nét để làm quen qua chát, email, facebook với các cô gái mới lớn, ham chơi hay những người đang rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, cần việc làm. Ðặc biệt hơn, nhiều nhóm đối tượng nhắm hẳn vào những cô gái có kiến thức, hiểu biết. Nhưng với chiêu lừa kiểu yêu đương tình cảm, nhiều cô vẫn mắc bẫy. Vừa qua, Ðội phòng, chống tội phạm MBN và tệ nạn xã hội, Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt Bùi Văn Lịch (SN 1986, trú tại xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cầm đầu đường dây MBN. Lịch là đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt của Công an tỉnh Cao Bằng về hành vi MBN. Bằng thủ đoạn lừa yêu và sử dụng tên giả, Lịch cùng Hoàng Xuân Giang (SN 1991, trú tại xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), sinh viên Trường cao đẳng Y Phú Thọ lừa bán trót lọt bốn cô gái, đều là sinh viên và học sinh của các trường trung cấp trên địa bàn ra nước ngoài làm gái mại dâm. Hai cô gái trốn thoát khỏi ổ mại dâm từ Trung Quốc đã tố cáo các đối tượng với cơ quan công an.
Từ năm 2005 đến nay, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá gần 3.000 vụ, bắt hơn 4.600 đối tượng phạm tội MBN, tổ chức tiếp nhận gần 6.000 nạn nhân bị mua bán trở về. Riêng 25 địa phương biên giới đã khám phá hơn 1.400 vụ, bắt hơn 2.100 đối tượng (chiếm 47% tổng số vụ trên toàn quốc). Tòa án nhân dân các cấp xét xử hơn 1.600 vụ với 3.000 bị can.
Mở rộng hợp tác quốc tế
Theo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, bên cạnh những kết quả đạt được, hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBN vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hoạt động mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tập trung, còn nhiều bất cập. Nguyên nhân cơ bản là thiếu khung pháp lý hợp tác song phương, đa phương; thiếu cơ chế, thủ tục, trình tự, kỹ năng phối hợp giải quyết các vụ việc mua bán người cụ thể với các quốc gia và vùng lãnh thổ... Do tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp gia tăng, cũng như lợi nhuận từ việc MBN, loại tội phạm này được dự báo là sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Ðể hạn chế tình trạng MBN gia tăng, ngày 2-7-2013, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ; Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Ðề án "Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người". Mục tiêu của Ðề án là đến năm 2015 xây dựng, đàm phán, ký kết hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống tội phạm MBN ít nhất với ba nước và vùng lãnh thổ; đặt ra chỉ tiêu hằng năm tăng ít nhất 5% tỷ lệ phối hợp giải quyết các vụ việc MBN với các nước, các tổ chức quốc tế; 100% các dự án hợp tác quốc tế bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch. Ðề án được triển khai trên phạm vi cả nước, ưu tiên nguồn lực tập trung ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đường biên giới, có cửa khẩu hàng không hoặc cảng biển quốc tế. Bên cạnh đó, Ðề án còn tăng cường công tác thông tin đối ngoại liên quan phòng, chống tội phạm MBN qua các kênh: Ngoại giao, In-tơ-pôn...; phối hợp xác minh, giải quyết vụ việc MBN có yếu tố nước ngoài giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhất là các địa phương giáp biên giới với các cơ quan hữu quan nước ngoài.