Mới đây, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã nhanh chóng triển khai thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (heo), thường gọi là bệnh lợn tai xanh, hiện đang có nguy cơ lây lan rộng.
Bệnh lợn tai xanh xuất hiện tại tỉnh Hải Dương từ ngày 23.3, đến nay dịch đã lây lan rộng và xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố (tính đến ngày 9.5.2010). Tốc độ lây lan của dịch rất nhanh, diễn biến hết sức phức tạp. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn vận động nhân dân, người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Giao trách nhiệm giám sát và xử lý ổ dịch cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở và nhân viên thú y, vận động các tổ chức đoàn thể và nhân dân cùng tham gia, lấy ấp làm đơn vị cơ sở để chỉ đạo chống dịch. Giám sát dịch chặt chẽ đến từng ấp, khi phát hiện ổ dịch phải báo cáo ngay cho Chi cục Thú y và tổ chức bao vây, xử lý ngay ổ dịch, không để lây lan rộng.
Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vậy, kiểm soát giết mổ lợn, đặc biệt lưu ý việc vận chuyện lợn và các sản phẩm lợn chưa qua chế biến vào địa phương; Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh tiêu độc chuồng trại và khu vực có nguy cơ, thực hiện việc tiêm vắc xin phòng Hội chứng rối loạn hô hấp - sinh sản ở lợn và các bệnh khác theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực, vật lực để chống dịch khi có ổ dịch phát sinh; chỉ đạo Chi cục Thú y tổ chức tập huấn kỹ thuật giám sát, phát hiện bệnh cho cán bộ thú y cơ sở, đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an toàn sinh học để hạn chế dịch lây lan. Chi cục Thú y phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành hữu quan tăng cường giám sát dịch bệnh đến từng ấp. Phát hiện nhanh các ổ dịch, không để dịch lây ra diện rộng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ gia súc nhập vào tỉnh. Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, buôn bán gia súc trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Thú y tăng cường kiểm dịch tại các chốt, trạm hiện có ở cửa khẩu, vùng giáp ranh các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước và TP. HCM, các đầu mối giao thông quan trọng, nhằm ngăn chặn không để vận chuyển động vật, sản phẩm động vật có chứa mầm bệnh hoặc không rõ nguồn gốc từ vùng có nguy cơ mắc bệnh cao vào tỉnh…
(Theo Tây Ninh Online)