Về Công tác tuyên truyền, Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì phối hợp các cơ quan báo đài tích cực tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết Luật Giao thông đường thủy nội địa, các Nghị định xử lý vi phạm, Thông tư hướng dẫn thực hiện nhằm nâng cao ý thức của người dân nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa; tăng cường đưa tin tuyên truyền các gương tiêu biểu tích cực thực hiện tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Sở Giao thông vận tải Đề xuất mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ lái phương tiện cho người lái phương tiện gia dụng, đảm bảo công tác sát hạch cấp bằng, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn, kiểm định phương tiện thủy đúng theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác thanh tra công tác quản lý vận tải, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, công tác quản lý điều hành hoạt động của các bến chở khách ngang sông, các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Cảng vụ tăng cường kiểm tra, kiên quyết đình chỉ đối với các bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép, nhất là bến khách ngang sông, không cho phép tàu, thuyền xuất bến khi chủ tàu không tuân thủ các quy định an toàn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật.
Phối hợp các ngành chức năng và các huyện, thị xã tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT đường thủy, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho quần chúng nhân dân khi lưu thông trên các phương tiện chở khách ngang sông, bến khách, bến đò, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2014.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chỉ đạo Chi cục Thủy sản xây dựng kế hoạch phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường phổ biến, hướng dẫn pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa; đồng thời tổ chức đợt tổng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện và các ngư cụ bị cấm để đánh bắt cá trái phép trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng. Sau đợt tổng kiểm tra, tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn lao động, chế độ tiền lương và chế độ đãi ngộ cho người lao động làm việc trên các phương tiện thủy nội địa theo đúng quy định của pháp luật.
Công an tỉnh Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường công tác tuần tra lưu động trên các tuyến sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT đường thủy nội địa là nguyên nhân gây ra TNGT như: chở quá tải, quá số người quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, vi phạm về thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, người lái tàu, thuyền không giấy phép, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, các trường hợp lấn chiếm luồng gây mất TTATGT và trật tự công cộng trên tuyến đường thủy; tập trung kiểm tra tại các bến bãi và phương tiện không đảm bảo an toàn, nhất là các phương tiện chở khách ngang sông; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng khai thác, kinh doanh vận chuyển cát, sỏi trái phép, sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản trái phép.
Thực hiện tốt công tác điều tra và giải quyết tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm phải tập trung điều tra làm rõ, phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án đề nghị truy tố, xét xử công khai theo quy định của pháp luật để phục vụ yêu cầu chính trị ở địa phương.
Tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “ Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kéo giảm các hành vi vi phạm TTATGT và tai nạn giao thông đường thủy.
Đề xuất UBND tỉnh xây dựng Trạm CSGT đường thủy; triển khai xây dựng thí điểm mô hình bến phà an toàn về an ninh trật tự và TTATGT để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Ban An toàn giao thông tỉnh Phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh các địa phương theo chức năng được giao, có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi pháp luật về đường thủy nội địa, Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, đường thủy nội địa; Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, các điều kiện an toàn khi tham gia đường thủy nội địa… để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và UBND các xã có đường thủy ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa; tăng cường cảnh báo các nguy cơ gây ra tai nạn đối với phương tiện thủy gia dụng và đuối nước đến khu dân cư, tổ tự quản và nhân dân sống ven sông, sống trên sông, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao đường thủy và không tham gia khai thác thủy sản trái phép.
Phối hợp lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm không để xảy ra hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép trên địa bàn phụ trách; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến ngang sông trên địa bàn và kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm các quy định về an toàn kỹ thuật. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy do các phương tiện vận chuyển hành khách gây ra trên địa bàn quản lý.
UBND huyện Dương Minh Châu chỉ đạo các ngành làm tốt công tác bảo vệ đê điều, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp dùng thuốc nổ, xung điện đánh bắt cá, quản lý chặt chẽ các bến đò ngang qua sông hoạt động khai thác cát, sỏi.
K.Thành