Hiện trạng lề đường 797 trước cửa 1 - TTTM Long Hoa |
Nguồn cơn sự việc
Nội dung khiếu nại của các hộ dân hai bên lề đường 797 thuộc khu phố 1, khu phố 2, thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành (thường gọi là đường Báo Quốc Từ, đoạn phía trước cửa 1 chợ Long Hoa) từ trên 10 năm qua chủ yếu là yêu cầu Nhà nước bồi thường thoả đáng theo quy định pháp luật khi thu hồi đất trong quá trình thực hiện mở rộng đường 40m (được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là 32m, tức phần lề đường mỗi bên là 4m thay vì 8m theo dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt) đoạn từ tiệm trà Thái Nguyên đến cửa 1 Trung tâm thương mại Long Hoa (TTTMLH); phần lề đường còn lại (4m mỗi bên) trong khi chờ thực hiện giai đoạn 2, các hộ dân yêu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).
Đây là một trong những vụ việc được Chính phủ đánh giá trong các cuộc họp sơ, tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân từ phía các cơ quan Nhà nước, là “tồn đọng kéo dài do nhiều lý do khách quan về lịch sử, có nhiều tình tiết, yếu tố… phức tạp, không loại trừ yếu tố chủ quan của các cơ quan Nhà nước được giao trách nhiệm giải quyết”. Gần đây nhất là việc sơ kết triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18.2.2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10.5.2012 của Thanh tra Chính phủ (từ 1.5.2012 đến 31.10.2012) kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài và kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến ngày 11.12.2012.
Vậy các cơ quan Nhà nước các cấp đã giải quyết vụ việc tranh chấp của các hộ dân xung quanh đường 797 như thế nào? Xin điểm qua từ hồ sơ vụ việc và quá trình giải quyết của Nhà nước tóm tắt như sau:
Những căn cứ nào đã được xem xét để giải quyết khiếu nại?
Đối với câu hỏi này, UBND huyện Hoà Thành đã nêu rõ nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất của các hộ dân trên đường 797 như sau: khu vực thị trấn Hoà Thành ngày nay, trước kia là ấp Long Hoa, thuộc xã Long Thành, quận Phú Khương cũ; vào năm 1952 - 1953 đã được Hội thánh Cao Đài Tây Ninh quy hoạch tổng thể với chi tiết khá đầy đủ để tiến hành xây dựng và phát triển một khu đô thị tập trung. Theo đó các trục lộ “Bát quái” từ 8 hướng đổ về cùng với con đường quanh chợ Long Hoa (nay là TTTMLH) được quy hoạch với chiều rộng 40m. Có thể nhận định đây là một quy hoạch quy mô lâu dài, khá hoàn chỉnh và mang tính khoa học cao.
Thời điểm hơn 60 năm trước trên lộ bát quái về hướng Bắc (cửa 1 chợ Long Hoa) Hội thánh Cao Đài có xây một số ki-ốt hình vuông dọc hai bên đường để cho thuê thu hoa lợi dùng cho việc đạo.
Cho đến năm 1971, do chủ thuê các ki-ốt sử dụng không đúng, xây lấn chiếm thêm và gây tình trạng mất vệ sinh do không có hệ thống thoát nước, nên Văn phòng Thái Chánh Phối sư (một cơ quan cấp cao của Hội thánh Cao Đài) có văn bản chỉ đạo cho “Ban hỗn hợp, kiểm soát, chỉnh trang đường phố Long Hoa, Long Hải, Trường Lưu” giải toả các ki-ốt nêu trên. Sau nhiều năm chống lại chủ trương giải toả của Hội thánh, các hộ dân đã có lời thỉnh nguyện xin được tiếp tục thuê các ki-ốt để mua bán mưu sinh gửi đến ngài Thái Chánh Phối sư nhưng không được chấp thuận. Phần lớn trong số hộ dân này nằm trong danh sách 26 hộ hiện đang khiếu nại đến các cơ quan Nhà nước ta ngày nay.
Sau năm 1975 Nhà nước tiếp quản. Quá trình quản lý điều hành khu vực này lãnh đạo huyện Hoà Thành giao cho phòng Công Nghiệp huyện quản lý và tiếp tục cho thuê. Trong quá trình được thuê, sử dụng các hộ dân có kê khai đăng ký ruộng đất theo chính sách của Nhà nước, nhưng do các chủ thuê không được công nhận quyền sử dụng đất nên không được ghi tên vào sổ Đăng ký ruộng đất và sổ Địa chính, vì thế sau đó các ngành chuyên môn cũng không xét cấp giấy CNQSDĐ.
Trên cơ sở những văn bản quản lý của các cơ quan hành chính Đạo Cao Đài đối với một số hộ nhận thuê ki-ốt dọc đường Báo Quốc Từ (nay là đường 797) không thi hành huấn lịnh của Hội thánh Cao Đài từ những năm 1972, nhằm thực hiện việc giải toả chỉnh trang đường phố theo Thánh lịnh của văn phòng Hộ Pháp Đường năm 1966 và nhiều văn bản khác có liên quan, cho thấy “trên 30 hộ dân trong đó có nhiều đạo hữu không chấp hành triệt để đạo pháp”, công việc chỉnh trang đường phố chưa được thực hiện nhiều năm liền. Sự việc kéo dài dây dưa thì đến ngày giải phóng thống nhất đất nước 30.4.1975.
Đến ngày 31.10.1986 do nhu cầu quản lý trật tự xã hội, xây dựng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Hoà Thành, UBND huyện đã có thông báo số 28/TB.UB về việc giải toả khu vực quy hoạch xây dựng Bar (Từ cửa 1 chợ Long Hoa đến Báo Quốc Từ)
Đến 16.8.1988, UBND huyện Hoà Thành đã ban hành Quyết định 01/QĐ.UB trong điều 1 nêu rõ: “Lộ từ Báo QuốcTừ… giữ nguyên quy hoạch đường rộng 40m. Trước mắt khai thông đưa vào sử dụng phục vụ giao thông là 30m. Từ tim đường ra mỗi bên là 15m”…
Ngoài những văn bản nêu trên, trong quá trình quản lý UBND huyện Hoà Thành đã ban hành nhiều văn bản khác để tiến hành thực hiện quy hoạch đường phố trên đoạn 797 liên tục nhiều năm liền cho đến khi thực hiện dự án 797 bê tông nhựa hoá, nâng cấp con đường 797 từ đoạn tiếp giáp với đường Lý Thường Kiệt (Cua Đại Trí đến cửa 1 TTTM Long Hoa), có hàng nghìn hộ dân ý thức được trách nhiệm tự giác dọn dẹp trả lại mặt đường đã xây dựng tạm, mở rộng diện tích để sử dụng lấn chiếm trong phạm vi 40m như quy hoạch của đạo Cao Đài trước đây trả cho chính quyền thực hiện làm đường theo quy hoạch. Riêng 26 hộ ở đoạn đường kể trên tiếp tục khiếu nại, giống như trước kia đã khiếu nại đối với Hội thánh Cao Đài trước đây, với lời thỉnh nguyện “cho chúng tôi được ở yên trong khi chiến tranh chưa chấm dứt, không phải bị giải toả theo thánh lịnh”.
Ở phía xa trong ảnh con đường đẹp đẽ này không có lề |
Về phía huyện Hoà Thành, trước sau như một UBND huyện khẳng định tiếp tục sử dụng quy hoạch của Đạo Cao Đài trên địa bàn huyện nói chung, thị trấn Hoà Thành nói riêng để làm cơ sở quy hoạch phát triển. Cụ thể trên đường 797 chiều rộng vẫn là 40m. Thực tế cho thấy chủ trương này khi thực hiện được tuyệt đại đa số nhân dân Thị trấn (gần 2.000 hộ), là tín đồ đạo Cao Đài đồng thuận, chấp hành nghiêm chính việc Nhà nước nâng cấp, mở rộng, nhựa hoá tất cả các đường “Bát quái” đúng theo quy hoạch, không phải bồi thường. Trong khi đó chỉ có 26 hộ dân (chỉ hơn… 1% số hộ đã chấp hành giải toả) đã tiếp tục khiếu nại vượt cấp đến các cơ quan Trung ương dai dẳng nhiều năm, yêu cầu Nhà nước thu hồi đất là phải bồi thường. Thậm chí, khi chính quyền huyện quyết định di dời trụ điện nằm trên mặt đường 797, trước cửa 1 TTTMLH, để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị vào cuối năm 2011, có hộ cũng đi kiện “việc dời trụ điện” tới Trung ương (?!).
Đã có chỉ đạo hướng giải quyết khiếu kiện
“Tiến trình” khiếu kiện của các hộ dân ở đoạn đường Báo Quốc Từ cũ là như thế, tuy thời gian kéo dài khá nhiều năm, quá trình giải quyết của cấp có thẩm quyền cũng mất không ít công sức, nhưng tựu trung cũng chỉ có như kể trên. Đối với bạn đọc Báo Tây Ninh sự việc này cũng không có gì mới, vì đã không ít lần sự việc được phản ánh trên báo. Mãi cho đến cuối năm 2012, Văn phòng Chính phủ mới có Văn bản số 414/TB-VPCP, ngày 18.12.2012 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc khiếu nại trên, toàn văn như sau:
“Ngày 3.12.2012, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về việc giải quyết khiếu nại của của 26 hộ dân ở đường 797, khu phố 1 và khu phố 2, thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh. Tham dự cuộc họp có các đồng chí đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Tây Ninh. Sau khi nghe Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo và ý kiến các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến kết luận như sau:
1. Đồng ý với kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh đối với Quyết định số 01/QĐ-UB ngày 15.8.1988 của UBND huyện Hoà Thành về việc công nhận quy hoạch lộ giới 40m do Hội thánh Cao Đài Tây Ninh quy hoạch từ năm 1953 là có căn cứ pháp lý. UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức thực hiện quy hoạch và xem xét, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của 26 hộ dân liên quan đến việc thực hiện quy hoạch trên.
Không xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không bồi thường về đất đối với diện tích đất các hộ dân nằm trong chỉ giới quy hoạch; thực hiện bồi thường vật kiến trúc và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật hiện hành; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân về chỗ ở, giải quyết đất ở theo quy định của pháp luật (có thể lùi vào trong nếu còn đất trống); đồng thời làm tốt công tác vận động, thuyết phục các hộ dân nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
2. UBND tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện các nội dung đã thống nhất với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo UBND huyện Hoà Thành thực hiện Quyết định số 12/QĐ-UB ngày 21.1.2005 của UBND huyện Hoà Thành; lập kế hoạch chi tiết về phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư trình UBND tỉnh Tây Ninh để phê duyệt.
3. Ý kiến chỉ đạo này thay thế ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1985/VPCP-V.II ngày 13.4.2007 của Văn phòng Chính phủ; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm chỉnh chấp hành.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan biết, thực hiện”.
Theo ý kiến chỉ đạo trên, vụ việc khiếu kiện dằng dai ở đoạn đường Báo Quốc Từ cũ, trước cửa 1 TTTM Long Hoa xem như đã đến hồi kết. Vấn đề bây giờ là trách nhiệm tổ chức thực hiện của chính quyền huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh. Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục theo dõi để đưa tin đến bạn đọc về việc thực thi chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới như thế nào.
Theo BTNO