Văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông

Thứ tư - 30/09/2015 16:00 47 0
Qua thống kê số liệu 8 tháng đầu năm 2015 (từ ngày 16/12/2014 đến hết ngày 15/8/2015) tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 128 vụ, làm chết 47 người, bị thương 143 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 50 vụ, giảm 47 người chết, giảm 03 người bị thương. Nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ; đi không đúng làn đường, phần đường quy định; không chú ý quan sát; chuyển hướng không an toàn; không nhường đường tại nơi đường giao nhau.

Nhường đường khi tham gia tham gia giao thông là hành động nhỏ nhưng dường như nhiều người vẫn không mấy quan tâm. Việc chạy nhanh, chạy quá tốc độ, chen lấn trên đường không còn là hành vi hiếm gặp. Hệ lụy là va chạm, té ngã, cãi vã là biểu hiện trước mắt của việc không chấp hành các quy tắc về nhường đường khi tham gia giao thông.

Để bảo đảm trật tự, an toàn và thông suốt của giao thông đường bộ, người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện không những phải nhường đường theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, khi gặp tín hiệu đèn giao thông hay biển báo hiệu, vạch kẻ đường mà còn phải bắt buộc tuân theo các quy tắc nhường đường khi chuyển hướng xe, tránh xe đi ngược chiều; nhường đường cho các loại xe ưu tiên, nhường đường tại nơi giao nhau...

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức độ hiểu biết và chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về an toàn giao thông như vậy thì chưa đủ để hình thành một văn hóa giao thông đẹp. Một người có văn hóa khi tham gia giao thông không thể thờ ơ, đó là: nhường đường cho trẻ em, người già, người nước ngoài, người ít có kinh nghiệm tham gia giao thông (người mới tập lái xe, người ở nông thôn ra thành phố); nhường một phần đường của mình khi gặp đám rước, đám tang, phương tiện do súc vật kéo, phương tiện cồng kềnh hơn... đi ngược chiều.

Đã đến lúc mỗi người khi tham gia giao thông cần có hành động thiết thực hơn để thể hiện nét văn hóa, sự hiểu biết và ý thức chấp hành của mình khi tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự giao thông. Tạo thói quen nhường đường trong tham gia giao thông là hành động thiết thực nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đồng thời còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại, biết tôn trọng pháp luật, biết "hy sinh" một chút lợi ích cá nhân vì sự an toàn cho người khác, cho xã hội. Nếu mỗi người chúng ta khi tham gia giao thông, đều ý thức được hành vi nhường đường, ứng xử bằng những hành động cụ thể, chính là đang góp phần tích cực trong việc xây dựng văn hóa giao thông.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây