Vi phạm giao thông ở dấu hạng bằng lái xe nào thì chỉ phạt dấu hạng xe đó

Thứ tư - 05/11/2014 00:00 116 0
Gần đây, nhiều người dân tỏ ra hoang mang, thắc mắc về việc khi gộp chung tất cả dấu hạng xe vào một giấy phép lái xe (GPLX), nếu vi phạm giao thông thì người lái (ôtô, môtô) bị thu giữ GPLX sẽ gặp trở ngại khi điều khiển phương tiện khác vì không có GPLX.

 

 

 

Trường hợp đi xe máy vi phạm bị tước GPLX hạng A1 thì vẫn được điều khiển ôtô hạng B2, và ngược lại.

 

Để giải đáp những thắc mắc trên, ông Trịnh Văn Lo – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tây Ninh cho biết, theo khoản 2 điều 51 Thông tư 46/2012/TT-BGTVT ngày 7.11.2012 Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ quy định, mỗi người chỉ được cấp duy nhất 1 GPLX bằng vật liệu PET (thẻ nhựa).

Hiện nay Sở GTVT đã cấp một GPLX cho tất cả các dấu hạng sử dụng của người dân. Việc cấp chung một GPLX bằng thẻ nhựa là để cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý GPLX và kiểm soát chặt chẽ người điều khiển phương tiện giao thông. Mặt khác, GPLX mẫu mới gọn nhẹ, khó hư hỏng, tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông không phải mang theo nhiều GPLX như hiện nay.

Theo Điều 4 Thông tư 05/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành mẫu biên bản quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông (đường bộ, đường sắt) có quy định: trong Quyết định xử phạt tước quyền sử dụng GPLX phải ghi rõ dấu hạng GPLX bị tước, người vi phạm vẫn được quyền điều khiển những dấu hạng xe còn lại đã ghi trong GPLX, điều đó có nghĩa, nếu trong thời gian bị tước GPLX môtô, bạn vẫn tiếp tục được điều khiển ôtô và ngược lại.

Thanh tra giao thông kiểm tra phương tiện tại một trạm cân lưu động.

Ông Lo cũng cho biết thêm, hiện nay, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp sử dụng cùng lúc 2 GPLX thẻ PET do cố tình khai báo mất để được cấp lại. Về việc này, ông Lo chỉ rõ, đối với các GPLX đã khai báo mất thì ngày cấp, số seri (mặt sau GPLX) đã được thay thế theo GPLX mới.

Do đó, khi kiểm tra, lực lượng chức năng dễ dàng phát hiện GPLX giả. Các trường hợp này bị xử lý theo điều 49 của Thông tư 46, theo đó, người giả khai báo mất hoặc tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả; có hành vi cố tình gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý ra quyết định thu hồi GPLX và hồ sơ gốc còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 05 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Người có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch như lần đầu.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây