Văn hóa giao thông là tổng hòa các yếu tố
Khi bàn về VHGT, lâu nay chúng ta mới chỉ nói đến ý thức, chuẩn mực văn hóa đối với người trực tiếp tham gia giao thông, yếu tố quan trọng để xây dựng và thực thi VHGT ở nước ta hiện nay, song chưa đủ. VHGT là toàn bộ những yếu tố văn hóa hình thành trong môi trường giao thông, có ảnh hưởng đến sự vận hành của đời sống giao thông. Ngoài ra, VHGT còn là văn hóa pháp luật, quy hoạch, quản lý giao thông. Xây dựng môi trường VHGT phải thực hiện đồng bộ tức là phải tạo cả văn hóa quy hoạch, xây dựng và quản lý giao thông, đô thị và văn hóa người tham gia, người quản lý. Kinh nghiệm xây dựng VHGT ở các nước tiên tiến trên thế giới cho thấy, văn hóa quy hoạch hạ tầng, không gian đô thị, quản lý đô thị thực sự dân chủ khoa học mới thu hút được sự tham gia tự nguyện của người dân.
Nhiều bậc phụ huynh xem nhẹ việc đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông |
Và người quản lý giao thông, thực thi pháp luật cũng cần có những chuẩn mực văn hóa nhất định. Bởi, bao giờ còn người thực thi luật pháp không nghiêm, coi pháp luật là bảo bối để ăn mãi lộ thì tình trạng người tham gia giao thông coi thường, "nhờn" luật khó giải quyết dứt điểm.
Cải thiện văn hóa giao thông bắt đầu từ trẻ nhỏ
Mỗi thành viên trong gia đình đều có ý thức cung cấp thông tin và hướng dẫn đứa trẻ tham gia giao thông đúng cách, bảo vệ tính mạng cho chính mình. Nhờ đó, khi lớn lên, mỗi đứa trẻ đều sẵn vốn VHGT và ý thức chấp hành nghiêm túc luật. Cũng như vậy, trẻ con Đức khi còn nhỏ tuổi đã có thể tự đi xe buýt để đi học, bởi chúng được bố mẹ hướng dẫn cho cách thức tham gia giao thông. Bên cạnh đó, những người lái xe, tham gia giao thông khác cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện để đứa bé chủ động ứng xử.
Chính vì thiếu hụt trong việc giáo dục VHGT nên thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay lại là đối tượng gây tai nạn nhiều nhất. Hơn bao giờ hết, cần giáo dục gấp rút vấn đề VHGT. Và quan trọng nhất là giáo dục VHGT phải xuất phát từ trong chính mỗi gia đình. Bố mẹ luôn phải chấp hành nghiêm túc luật, sau đó cũng phải trang bị đầy đủ kiến thức và vật dụng bảo vệ an toàn cho con khi tham gia giao thông. Đơn cử như việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông cũng là một hành động để giáo dục ý thức, tạo thói quen chấp hành Luật Giao thông. Và nhất là khi cùng con tham gia giao thông, không vượt đèn đỏ, không bấm còi inh ỏi, không nghe điện thoại, khi xảy ra va chạm cần lịch sự, nhã nhặn giải quyết...Sau giáo dục trong gia đình mới đến nhà trường. Nhưng, hình thức giáo dục của nhà trường cũng cần phải được đổi mới. Nhà trường, tổ chức Đoàn, Đội cần giáo dục VHGT thông qua việc phát động các cuộc thi, hoạt động sinh hoạt văn hóa nghệ thuật: hoạt cảnh, kịch ngắn... Nhà trường và gia đình cùng phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp kỹ năng, văn hóa giao thông cho trẻ.
Dùng nghệ thuật dân gian để tuyên truyền
Có thể nói sinh hoạt nghệ thuật là hình thức hiệu quả nhất để tuyên truyền VHGT. Với sự vào cuộc của các nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ cả nước vừa qua, để xây dựng nếp sống VHGT cho cộng đồng qua nhiều chương trình phù hợp, sinh động, thiết thực, hấp dẫn như ca nhạc, nhiếp ảnh, vẽ tranh biếm hoạ và hội thảo khoa học bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định... Đặc biệt là hình thức hoạt cảnh, kịch ngắn, kịch vui phản ánh thực trạng giao thông. Dùng nghệ thuật dân gian truyền thống để tuyên truyền giao thông như múa rối nước, hát xẩm... đã gây được sự chú ý, thích thú, dễ đi vào lòng người hơn những bài giảng đơn thuần.
Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng cần dành nhiều bài viết nói về vấn đề VHGT. Nêu lên những hiện tượng mất văn hóa, những bi kịch thương tâm, khó khăn của gia đình nạn nhân TNGT, những cảnh báo về giao thông... đánh vào tâm lý, nhận thức, chuyển biến về ý thức, VHGT sẽ nhanh chóng và hiệu quả. Thậm chí, những người vô văn hóa khi tham gia giao thông cũng bị tác động và tự giác chuyển biến hành vi, chấp hành trật tự ATGT.
Kim Hà (tổng hợp từ nguồn Vnexpress)