- Địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Thành phố Tây Ninh.
- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn: Thị xã Hòa Thành, Thị xã Trảng Bàng, Huyện Gò Dầu, Huyện Dương Minh Châu.
- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Huyện Tân Châu, Huyện Tân Biên, Huyện Châu Thành, Huyện Bến Cầu;
Tỉnh Tây Ninh thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đúng với quy định của Chính phủ. Đồng thời, tỉnh cam kết đảm bảo những lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; luôn dành cho nhà đầu tư những ưu đãi cao nhất và chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện những nghĩa vụ thấp nhất trong khung quy định chung của Nhà nước. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục để giảm chi phí và thời gian gia nhập thị trường.
Để cụ thể hoá các lợi thế về vị trí, tiềm năng và cơ hội đầu tư, tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực triển khai các giải pháp tăng cường hiệu quả trong mời gọi đầu tư, cụ thể như sau:
1. Đầu tư hạ tầng giao thông từng bước hiện đại, kết nối thuận lợi, thông suốt với các tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực:
- Tuyến Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự kiến khởi công năm 2024, hoàn thành năm 2027; Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2027; Cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà), dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025; đường Xuyên Á và các quốc lộ: QL.22B, QL.22C, QL.14C, QL.56B.
- Đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng Trung tâm Logistics, Cảng cạn ICD và Cảng tổng hợp tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; Cảng cạn ICD Thanh Phước; Cảng thuỷ nội địa Thành Thành Công và các cảng khác theo sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông để khai thác hiệu quả Hành lang vận tải thủy Tây Ninh - thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Khẩn trương lập Đề án quy hoạch và đầu tư xây dựng Cảng hàng không Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
2. Đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng xã hội, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch để tăng hiệu quả trong thu hút đầu tư, tích cực mời gọi đầu tư các dự án nền tảng như: phân hiệu Trường Đại học Sài Gòn; phân hiệu Trường Đại học Ngoại Thương; Bệnh viện chất lượng cao, Bệnh viện mắt Sài Gòn …. trên địa bàn tỉnh.
3. Triển khai Giai đoạn 2 Dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông để dẫn nước từ Hồ Dầu Tiếng về phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt của người dân.
4. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số, đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường số nhằm tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Tây Ninh.
5. Tăng cường hiệu quả trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành và triển khai các chương trình hợp tác, đẩy mạnh kết nối vùng và các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cụ thể:
- Ban hành Hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Hướng dẫn số 491/HD-UBND ngày 27/02/2023 của UBND tỉnh Tây Ninh);
- Ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư lĩnh vực xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025; Tập trung vào 03 lĩnh vực với 08 dự án, cụ thể: 03 dự án thuộc lĩnh vực thể dục thể thao; 02 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo; 03 dự án thuộc lĩnh vực môi trường (Quyết định số 1092/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh Tây Ninh)
- Ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2023, Tập trung vào 05 lĩnh vực với 16 dự án, cụ thể: 05 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; 06 dự án đầu tư xây dựng nhà ở; 01 dự án khu thương mại dịch vu, chợ; 03 dự án Công nghiệp; 01 dự án du lịch (Quyết định số 1107/QĐ-UBND ngày 16/5/2023 của UBND tỉnh Tây Ninh)
- Ban hành Danh mục các khu đất đấu giá năm 2023 đối với các khu đất công do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý; tổng số khu đất đưa ra đấu giá 05 khu đất với tổng diện tích 478.209,5 m2 để thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực thương mại-dịch vụ và sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 22/5/2023 của UBND tỉnh Tây Ninh)
- Ban hành Quyết định quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ diện tích khu đất công để tách thành dự án độc lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 10/5/2023 của UBND tỉnh Tây Ninh)
6. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) được Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, xem là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025
UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 về việc phê duyệt Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh, với các mục tiêu chính như sau:
(1) Phấn đấu định hướng phát triển 20 vùng NNUDCNC trong đó: giai đoạn 2022 – 2025: 09 vùng; giai đoạn 2026 – 2030: 11 vùng;
(2) Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng NNUDCNC hình thành ít nhất 01 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030;
(3) Gia tăng giá trị sản phẩm trên 01 đơn vị diện tích (ha) đất sản xuất NNCNC đạt 150 triệu đồng năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030; (4) Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm NNUDCNC đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu nhiệm vụ trên, tỉnh thực hiện giải pháp phân 20 vùng NNUDCNC thành 03 nhóm:
- Nhóm 1: Các vùng đã đủ điều kiện công nhận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, vận động và hỗ trợ tư vấn về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện để tham mưu UBND tỉnh công nhận 02 vùng sản xuất NNDUCNC này vào năm 2024.
- Nhóm 2: Các vùng có khả năng phát triển thành vùng NNUDCNC sẽ hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong vùng cải thiện thực trạng sản xuất để đạt 5 tiêu chí công nhận vùng NNUDCNC về quy mô, diện tích, ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi liên kết …
- Nhóm 3: Các vùng đất công đang sắp xếp để thu hút các tổ chức, cá nhân tiềm năng, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư để sớm hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh thông qua các chính sách như ở nhóm 2 và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 – 2025.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhất là nông nghiệp UDCNC, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về Cơ chế, chính sách khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sau khi Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 được Chính phủ ban hành, Hội Đồng Nhân Dân và UBND tỉnh Tây Ninh đã cụ thể hóa thông qua việc ban hành và triển khai thực hiện 05 chính sách:
- Chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 (Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17/6/2019 của UBND tỉnh Tây Ninh)
- Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 (Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh Tây Ninh)
- Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 (Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh Tây Ninh)
- Chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025 (Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Tây Ninh)
- Chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh Tây Ninh)